Giữa cuộc sống hiện đại, ngay tại xã đồng bằng, một phụ nữ tự sinh con tại nhà, tự tay cắt dây rốn và chăm sóc hậu sinh cho con và bản thân vì không có tiền. Câu chuyện kỳ lạ đang làm xôn xao làng quê nhỏ, cách thành phố Thanh Hóa vài cây số.
Chị Hoàng Thị Dung (sinh năm 1989) và anh Nguyễn Hữu Dũng (sinh năm 1986) cưới nhau được 3 năm. Từ ngày cưới nhau, mỗi năm anh chị sinh một đứa. Đứa lớn là Nguyễn Hữu Hiếu được hơn 2 tuổi, sinh vào ngày 4 Tết năm 2015, cô em thứ hai tên là Nguyễn Thị Ngân hơn 1 tuổi, sinh vào ngày 30 Tết năm 2016. Cô em thứ ba, sinh ngày 14.4.2017 Dương lịch (cách cô chị 14 tháng) chưa có tên vì bố mẹ chưa đi khai sinh.
Chị Dung một tay chăm sóc ba đứa con nhỏ, mỗi đứa cách nhau 1 năm một. Ảnh: Thuỳ Anh |
Được người quen giới thiệu, tôi tìm đến ngôi nhà ngói 3 gian, lụp xụp và cũ kỹ trong một ngõ nhỏ ở đội 8 xã Hoằng Đồng. Ngôi nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp điện cũ. Trò chuyện với PV, chị Dung cho biết chồng chị đang đi làm thuê, lấy tiền mua sữa cho 3 con.
Trước đó, anh chị đi làm thuê ngoài Hà Nội, nhưng vì sinh con dày quá, đi ở trọ tốn kém nên vợ chồng chị phải nghỉ việc về quê kiếm sống nuôi con. Hiện giờ chị sống cùng với chồng và mẹ chồng đã 65 tuổi, mẹ chồng già yếu nên cũng chẳng giúp đỡ được gì nhiều.
Nhắc đến câu chuyện tự sinh con tại nhà của chị, hàng xóm ai cũng ái ngại bởi thời nay chuyện sinh đẻ khó khăn. Có người tới viện mà còn chẳng đẻ được, huống hồ nằm nhà. Có người còn bảo, đến người dân tộc, vùng sâu vùng xa người ta còn đi viện đẻ đằng này nhà chị ở ngay đồng bằng, trung tâm mà lại liều mạng ở nhà sinh con. Thậm chí, biết chuyện, mấy cô y tá ở trạm xã còn đến trách móc.
Cô con gái thứ 3 cách cô chị chỉ 14 tháng. Ảnh: Thuỳ Anh |
Chị Dung nhớ lại: “Mới đây, ngày 14.4.2017, lúc mang bầu đứa thứ 3, thấy có hiện tượng sắp sinh, vợ chồng mình có lên trạm xá khám. Thấy cô y tá bảo mình huyết áp cao nên phải chuyển đến bệnh viện tuyến huyện. Nghe thấy phải chuyển viện vợ chồng mình lo lắm vì tiền chẳng có. Nghĩ vậy, mình bảo chồng cho về nhà. Về tới nhà, mấy chị gái trong quê ở Hải Dương gọi điện trách móc. Mấy chị nói, đẻ ở nhà ... đen lắm, phải đi bệnh viện. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ đến việc trong túi chả có mấy đồng, hai vợ chồng lại về nhà".
Đêm đó, 12 giờ tối, chị thấy đau bụng dữ dội, chỉ 2, 3 phút sau đó chị sinh con ngay tại giường. Chồng chị luống cuống lấy đồ, mẹ chồng nằm giường cạnh đó còn không biết chị sinh cho tới lúc thấy cháu nội cất tiếng khóc.
“Lúc đó, mình thấy mọi thứ cũng bình thường lắm. Mình nói chồng lấy nước nóng, nhúng kéo rồi tự tay cắt rốn, buộc chỉ cho con. Quấn tã cho con xong tự mình thu dọn cho bản thân, mặc quần áo rồi ôm con nằm ngủ” – chị Dung nhớ lại.
Chị Dung cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chị đẻ tại nhà. Trước đó, ngày 30 Âm lịch năm 2015 chị cũng tự sinh đứa con thứ hai tại phòng trọ ở phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Chị Dung kể lại, lần đó là vào 30 Tết, mọi người trong xóm trọ về quê hết chỉ còn có hai vợ chồng chị ở lại đó. Chị nghỉ bán trà đá ở nhà trông con, còn anh Dũng vẫn chở đào, quất cho khách.
“Ngày đó, mình vẫn chưa đến ngày sinh, nhưng chẳng hiểu sao lại đẻ non tới tận hơn 1 tháng. Lúc đó mình gọi chồng về thì con đã gần chui ra, anh ấy chỉ kịp lấy cho cái chăn và bế thằng con đầu mới hơn 1 tuổi đang bấu vào tay mình gào khóc. Con khóc, chồng khóc, nhưng mình vẫn bình thản đẻ. Sau đó thì nhờ một chị bạn mua cho ít băng gạc về bôi vào dây rốn vừa cắt cho con. Sau khi cắt dây rốn, lau rửa, ủ ấm cho con, mình quay sang lại làm vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ, không suy nghĩ nhiều. Sở dĩ mình thấy mọi chuyện bình thường bởi hồi đó là lần sinh bé thứ 2. Lần đầu, trong bệnh viện, mình cũng thấy các y tá đỡ đẻ, cắt dây rốn rồi làm vệ sinh nên giờ mình học theo thôi” – chị Dung vừa nói vừa thẹn thùng.
Nhớ lại kỷ niệm khiến nhiều người hãi hùng, chị Dung cho hay, so với lần sinh bé thứ hai thì lần sinh bé thứ 3 đẻ tại nhà còn đỡ vất vả hơn. Vì lần này còn có chồng và mẹ chồng bên cạnh. Sinh ở nhà nên cũng chuẩn bị đủ quần áo, tã lót. Trong nhà còn có cái kéo, với sẵn nước nóng. Trước đó, hồi còn ở nhà trọ thì thiếu thốn đủ thứ. Đến mớ quần áo, tã lót cho con cũng còn chưa kịp mua sắm. Ở trọ nên cả phích nước nóng cũng chẳng có.
Bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ chồng chị Dung) cho biết: “Lúc con dâu đẻ xong tôi vẫn còn lo sợ. Lỡ có chuyện gì thì khổ lắm vì nhà neo người, mà chúng nó (các con của anh Dũng, chị Dung – PV) còn nhỏ quá, tôi chẳng biết phải làm thế nào”.
Nhà neo người, mẹ chồng lại già yếu nên chị Dung phải làm hết mọi việc từ lúc sinh con. Ảnh: Thuỳ Anh |
Cũng may nhà nghèo nên ông trời thương tình, 3 đứa con của chị Dung, anh Dũng lớn nhanh và rất ngoan ngoãn, chẳng ốm đau bao giờ.
Nhiều lúc nghĩ sinh con dày cũng tội con lắm, nhưng lỡ vỡ kế hoạch lại thương con không nỡ bỏ nên hai vợ chồng lại để lại đẻ. Khổ nỗi giờ vướng 3 con nhỏ nên dù muốn đi làm thì chị Dung cũng không thể đi được. Nhìn bữa cơm chỉ độc có hai món là canh rau ngót với vài con cá mắm mà mọi người chẳng thể cầm lòng.
“Chồng mình đi làm, lương không đủ mua sữa cho con. Mình không có sữa nên mấy đứa toàn phải uống sữa ngoài. Không có tiền nên chỉ mua được sữa bột rẻ tiền cho con em út, hai đứa lớn thì phải uống sữa ông thọ pha loãng. Lâu lâu có tiền lương hoặc được ai đó thương tình cho vài chục thì mình mới dám mua cho con 1-2 lạng thịt hoặc vài quả trứng gà” - chị Dung ngậm ngùi kể.
Theo Thùy Anh (Dân Việt)