Theo bác sĩ Hiếu, đây là khối bướu hắc tố bẩm sinh, có đường kính khá lớn hơn 22cm, úp trọn lên lưng cô bé. Khối bướu màu đen, bề mặt sần sùi, có lông và rất nhiều nốt ruồi “vệ tinh” khác vây xung quanh.
“Cô bé mai rùa” Việt Nam. Ảnh: Quốc Ngọc |
“Đây chính là trường hợp tương tự ‘cậu bé mai rùa’ Didier Montalvo người Columbia nổi tiếng thế giới được biết đến năm 2012 và đã được phẫu thuật tại Anh năm 2015. Lúc bấy giờ, trường hợp Didier được bình chọn là 1 trong 8 ca bệnh lạ nhất thế giới. Trường hợp bé T có thể là trường hợp thứ hai trên thế giới mang khối bướu cực kỳ hiếm gặp này. Chúng tôi cũng tạm gọi T là ‘turtle girl’ của Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Bà Thạch Thị Đ N (34 tuổi, mẹ bé T) cho biết, khi mới sinh ra, khối bướu to cỡ quả quýt và cứ lớn dần lên. Bé T cực kỳ mặc cảm về cái “mai rùa” của mình. Ngoài ra, đêm đến, khối bướu thường làm bé ngứa ngáy, khó ngủ.
Bác sĩ Hiếu cho biết, bệnh viện quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối bướu cho bé T. Bởi nếu để lâu, khối bướu này sẽ tiếp tục phát triển đến lúc lớn đến mức không thể phẫu thuật được. Chưa kể, nếu không phẫu thuật, bướu có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, chất lượng sống của bé gái sẽ bị ảnh hưởng lớn với “chiếc mai rùa” của mình.
Dự kiến, ca phẫu thuật cho “cô bé mai rùa” sẽ tiến hành vào ngày thứ hai, 29/8, tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Điều cần lưu ý đối với ca mổ, theo bác sĩ Hiếu, đó là phải can thiệp sâu vào mô lưng để có thể lấy hết khối bướu, nhằm tránh tái phát. “Bản chất đây là khối bướu lành. Bằng chứng là nó đã tồn tại trên cơ thể bé gái từ khi sinh ra đến nay mà chưa gây triệu chứng gì.
Tuy nhiên, sau ca mổ, chúng tôi vẫn phải làm xét nghiệm tế bào học đối với khối bướu nhằm tìm ra tế bào có dấu hiệu ác tính gây ung thư”, ông Hiếu giải thích. Nếu biết trước điều này, bác sĩ sẽ có kế hoạch cảnh báo theo dõi bệnh nhi về sau này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về tình hình sức khỏe “cô bé mai rùa” cũng như ca mổ vào thứ hai tới.
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)