Sau 11 năm thầy Đỗ Việt Khoa làm nên cơn “chấn động” trong ngành giáo dục, nay đầu 2 thứ tóc vẫn chưa được thảnh thơi khi lại... quá liều.
Sau khi làm nên cơn "chấn động" trong giáo dục, cuộc sống gia đình của thầy Đỗ Việt Khoa đảo lộn. |
“Thần kinh không vững thì nổi khủng, nổi điên lên rồi”
Chúng tôi gặp lại thầy Đỗ Việt Khoa sau 11 năm thầy làm nên cơn “chấn động” trong ngành giáo dục - đứng ra quay video tố cáo gian lận trong thi cử, chuyện lạm thu, ép học sinh học thêm. Thầy thừa nhận cuộc sống đang bị đảo lộn, đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn sau những ngày được phong là “người hùng giáo dục”.
“Tôi từng bị những đối tượng mà tôi tố cáo thuê xã hội đen dọa đánh, bị cướp máy ảnh. Sau đó, họ gây sức ép, đẩy tôi đi trường khác. Họ cũng làm ảnh hưởng đến gia đình của tôi, ảnh hưởng đến cả hạnh phúc vợ chồng.
Con tôi đi học gặp sức ép vì là con của Đỗ Việt Khoa. Rồi suốt một thời gian dài, số điện thoại lạ liên tục gọi vào máy của gia đình để chửi bới, đe dọa. Nhiều đêm vợ tôi nghe, sợ hãi quá, khóc mếu, rồi đòi ly hôn. Cô ấy nói tôi đi lo chuyện bao đồng, làm ảnh hưởng đến gia đình”.
Người thầy đầu đã hai thứ tóc tâm sự, điều khiến ông sốc nhất là thái độ vô cảm của những đồng nghiệp quanh mình, không ai dám lên tiếng nữa và cảm thấy bị cô lập, đơn độc.
Cũng theo thầy Khoa chỉ có người thần kinh thép mới có thể chịu được những điều khủng khiếp đó, nếu không sẽ nổi khùng, nổi điên lên.
Mang nợ tiền tỉ: Quá liều!
Lương giáo viên đã thấp, chắt chiu lắm mới đủ nuôi gia đình, 2 con ăn học. Mãi “cho đến khi tôi chuyển sang Trường THPT Thường Tín thì mới được vị hiệu trưởng ở đây nâng lương, giờ mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng. Nói thật, tôi chẳng dành dụm được một đồng nào”, thầy Khoa chia sẻ.
Thầy Khoa làm thêm đủ nghề để sống, nhưng tuyệt đối không dạy thêm. |
Năm 2015, thương vợ con ở trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, thầy đánh bạo vay ngân hàng 1,5 tỉ đồng, trả góp trong 10 năm để xây căn nhà khang trang hơn. Giờ thầy vẫn bảo mình quá liều, làm nhà trong khi chẳng có một xu nào trong túi.
“Các bạn có tưởng tượng được ở tuổi 50, một ngày tôi làm việc 17-18 tiếng. Sáng đi dạy học, trưa về đi chạy bàn cho các cửa hàng ăn. Rồi tôi tự mày mò học sửa chữa máy tính, đồ điện, chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh thẻ tại nhà để có tiền trang trải, lo cuộc sống gia đình và trả nợ.
Tôi đang là con nợ của ngân hàng, tháng nào cũng có tin nhắn mang tiền đến nộp. Bây giờ mỗi tháng phải trả cả gốc, lãi 30 triệu đồng. Có tháng phải vay nóng tín dụng đen để kịp đáo hạn với ngân hàng. Thực sự rất mệt mỏi, quá sức với một nhà giáo như tôi. Nhưng việc tôi làm, tôi chịu. Giờ chỉ khấn trời cho mình đủ sức khỏe để làm việc thôi” - thầy Khoa chia sẻ.
Theo Đặng Chung (Lao Động)