Hà Nội chuẩn bị di dời 12 cây sưa quý để thi công ga ngầm
Để chuẩn bị thi công ga ngầm S10 - Cát Linh và S12 - Trần Hưng Đạo thuộc tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã lên kế hoạch di dời, chặt hạ cây xanh quanh khu vực. Theo đó, 157 cây trên vỉa hè phố Trần Hưng Đạo và Cát Linh, trong đó có 12 cây sưa đỏ quý, sẽ được di dời để lấy mặt bằng.
Được biết sưa đỏ thuộc loại cây quý hiếm cần được bảo tồn. Cách đây 5 năm, nhiều vụ cưa trộm cây sưa mang đi bán đã xảy ra tại Hà Nội. Thời điểm này, theo kế hoạch của dự án, để chăm sóc tốt nhất cho 12 cây sưa đỏ, hàng cây được di dời về công viên Thống Nhất.
Ngoài ra, 41 cây loại khác có thân cong nghiêng, mục gốc, mục thân, già cỗi sẽ bị chặt hạ. Theo Ban quản lý dự án, việc chặt hạ và di dời đã được tham vấn các chuyên gia và được các sở ngành liên quan chấp thuận.
Được biết dự kiến cuối năm nay, khu vực ga S12 - Trần Hưng Đạo sẽ được đưa vào triển khai xây dựng. Hiện tại, các hàng cây đã được đánh số và lập hồ sơ riêng bao gồm các thông số về loại cây, chiều cao, chiều rộng thân cây - tán cây, độ tuổi của cây… Các cây sưa này đã phát triển, có đường kính 20cm trở lên, các tán rộng 4-8m.
Trước đó, tháng 9/2017, cũng để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, khoảng 130 cây xanh trên đường Kim Mã (từ hồ Thủ Lệ đến nút giao Núi Trúc) đã được chặt hạ, di chuyển.
Người Hà Nội tiếc nuối bóng mát của hàng sưa quý hiếm
Người dân sinh sống xung quan khu vực phố Trần Hưng Đạo bày tỏ sự tiếc nuối khi hàng sưa quý sắp bị đánh chuyển về công viên Thống Nhất. "Hàng cây cho bóng mát như này mà bị đưa đến chỗ khác, chúng tôi tiếc lắm. Hà Nội sắp bước vào những ngày oi bức rồi, cần lắm những bóng cây lớn. Mong là cây sưa quý được chăm sóc cẩn thận, đừng chặt hạ đi mà tiếc lắm!" - cô Hoa (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Nhiều cư dân cũng than thở, Thủ đô bây giờ không khác gì một "đại công trường" và những khoảng không gian xanh đang dần "biến mất". Việc di dời cây xanh nếu không đảm bảo đúng quy trình có thể khiến hơn một nửa số cây sưa khả năng cao sẽ bị "chết yểu".
"Lũ nhỏ quanh đây chiều nào cũng đá bóng dưới bóng sưa, giờ di dời rồi cứ thấy thiếu thiếu. Người người ra đường trong tiết trời nắng nóng có bóng mát cũng dễ thở hơn, chứ giờ cháu xem, cả vạt cây mất đi rồi bức bối và khó thở lắm", chú Đức tâm sự.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)