Số cuộc gọi của người dân đến cơ quan y tế đề nghị xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi… tăng đột biến trong những ngày qua.
Tương tự, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ người dân yêu cầu được phun thuốc diệt muỗi trong khu phố, xóm hoặc dân cư. Theo đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hiện nay những gia đình nằm trong khu vực ổ dịch thì được phun thuốc diệt muỗi mà không mất phí. Những trường hợp yêu cầu còn lại nhân viên y tế dự phòng sẽ tư vấn cụ thể xem có cần thiết phải phun xịt hóa chất diệt muỗi hay không.
Tại Hà Nội, số bệnh nhân sốt xuất huyết trong những tuần gần đây tăng nhanh lên con số 1.200-1.600, có tuần 2.000 người được ghi nhận mắc bệnh. Bệnh nhân nhiều ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì... Tình hình dịch bệnh khiến nhiều người dân lo lắng dù không sống trong ổ dịch.
Phun thuốc diệt muỗi trong các gia đình. Ảnh: Ngọc Thành. |
Tiến sĩ Vũ Trọng Dược, Thư ký Chương trình sốt xuất huyết Dengue khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng người dân không phải cứ nhìn thấy muỗi là cần phun thuốc diệt muỗi. Ông khuyến cáo người dân không nên tự ý pha hóa chất để phun diệt muỗi. "Vì sử dụng hóa chất để diệt muỗi nên việc phun xịt cần phải có chỉ định. Tác dụng diệt muỗi chỉ hiệu quả khi sử dụng hóa chất đúng loại, pha đúng liều lượng, sử dụng máy phun phù hợp và kỹ thuật phun đúng”, ông Dược nói.
Theo ông, phun hóa chất có tác dụng tiêu diệt muỗi tức thời tại thực địa. Khi ổ dịch xảy ra thì đàn muỗi tại khu vực đó nhiễm virus dengue, vì thế cần phun thuốc để diệt nguồn gây bệnh tại thời điểm đó, không cho đốt sang người lành để truyền bệnh. Tuy nhiên, diệt muỗi trong phạm vi gia đình, người dân nên tham khảo ý kiến của các nhà côn trùng học hoặc liên hệ với khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm hay dịch tễ của Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện hoặc tỉnh để được hướng dẫn.
Ông Dược nhận định: "Phun hóa chất không đúng cách, không có máy phun chuyên dụng, không đủ liều dẫn đến muỗi tăng sức đề kháng, vô tình làm muỗi khỏe hơn trong tương lai".
Để phòng chống sốt xuất huyết hiện nay, Bộ Y tế cho phép lưu hành 3 hóa chất diệt muỗi gồm deltamethrine, permethrine và malathion. Hiện kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng của muỗi với 3 hóa chất này thì hiệu lực rất tốt. Song tiến sĩ Dược cũng nhìn nhận tại một số điểm ở Hà Nội có hiện tượng muỗi đã tăng sức chịu đựng với hóa chất. Điều này có nghĩa phun thuốc diệt muỗi thông thường thì thường muỗi không chết.
Bên cạnh đó nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình phun trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.
Trong tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát, biện pháp phun hóa chất không gian được ngành y tế áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh. Loại hóa chất này diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang bay trong không trung và bám đậu ở các nơi. Do hiệu lực của hóa chất qua cách phun này không kéo dài nên cần phải phun lặp lại vài lần.
Tuy vậy các chuyên gia khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Biện pháp quan trọng nhất là người dân cần phải diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng trong nhà, xung quanh nhà.
"Việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay giống như cuộc chiến giữa người và muỗi, mỗi người dân phải như một chiến sĩ, một gia đình như pháo đài, cùng nhau đồng lòng chống lại giặc muỗi thì mới phòng chống sốt xuất huyết được”, tiến sĩ Dược nói.
So với năm 2016, dịch sốt xuất huyết năm nay tại nước ta diễn biến phức tạp, chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại một số khu đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Nguyên nhân là thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ trung bình của năm nay cao hơn so với các năm trước. Đặc biệt, năm nay lượng mưa đo được tại khu vực Hà Nội cao hơn so với các năm trước. Mùa hè tại Hà Nội, mùa mưa tại phía Nam cũng đến sớm hơn.
Dự báo trong một vài tuần tới, số bệnh nhân sốt xuất huyết tại các đô thị lớn còn tiếp tục gia tăng.
Theo Nam Phương (VnExpress.net)