Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, mục tiêu năm 2019 của thủ đô là tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Kết quả 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội là 112,8 bé trai/100 bé gái, giảm hơn cả chỉ tiêu. Năm 2018, chênh lệch giới tính khi sinh 113,5 trai/100 gái; năm 2015 là 114,5 trai/100 gái.
Ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, chiều 25/6 cho biết, Hà Nội giảm chênh lệch giới tính khi sinh nhờ triển khai nhiều giải pháp tại 30 quận, huyện, thị xã, như giảm sinh con thứ ba, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái... Tuy nhiên, hiện một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Ở huyện Sóc Sơn, tỷ lệ giới tính khi sinh giữa trẻ trai và gái 6 tháng đầu năm nay là 120/100. Ở huyện Quốc Oai hay Mỹ Đức, con số này là 115/100.
Theo Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017, không đạt được mục tiêu giảm chênh lệch còn 112,8 bé trai/100 bé gái. Sơn La là tỉnh đứng đầu với chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo có tỷ lệ sinh bé trai nhiều hơn gái là Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương.
Định kiến giới, "trọng nam, khinh nữ" là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, Việt Nam phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.
Toàn châu Á hiện thiếu 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới hai quốc gia lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán năm 2060, cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới tại hai nước này trong độ tuổi kết hôn.
Theo Lê Nga (VnExpress.net)