Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng'

04/03/2021 06:19:55

Sau Tết Nguyên đán, người Hà Nội bắt đầu chuyển sang thú chơi hoa lê. Tuy nhiên, chuyên gia lâm nghiệp cho rằng việc chặt bỏ lê rừng sẽ khiến cảnh quan sinh thái của rừng bị phá huỷ, môi trường bị ảnh hưởng.

Tiểu thương kể về hành trình hoa lê xuống phố

Sau Tết Nguyên đán, khi hoa đào đã phai, khi quất đã rụng, người Hà Nội bắt đầu chuyển sang thú chơi hoa lê.

Hoa lê rừng, hay còn gọi là hoa mắc cọp phân bố nhiều ở các tỉnh vùng núi phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng hay Lào Cai. Khoảng từ sau mùng 4 Tết, loại hoa này được bày bán tại chợ hoa Quảng Bá và một số điểm trên đường Lạc Long Quân quận Tây Hồ.

Theo một số tiểu thương cho biết, hoa lê được lấy về từ những miền lạnh phía Bắc như Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang... Mỗi cành hoa lê sẽ có một giá khác nhau, những cành có thân to, cành đẹp giá dao động từ 5 - 8 triệu đồng. Những cành nhỏ giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng'
Những xe hoa lê được chở về Hà Nội từ sau mùng 4 Tết
Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 1
Hoa lê có thể chơi đến 2 tháng mà không lo héo

Hoa lê rừng có giá cao như vậy bởi chúng được lấy từ trong rừng sâu, thời gian chơi bền hơn so với hoa đào hay hoa mai, thậm chí với những cành nhiều nụ, có thể chơi đến 2 tháng mà không lo hoa bị héo hay thối gốc.

Anh Hoàng (tên nhân vật đã thay đổi), một người bán hoa lê rừng ở đường Lạc Long Quân  chia sẻ: "Những cành lê rừng chủ yếu được chúng tôi vận chuyển từ Lạng Sơn. Để có được những cành lê xuống Hà Nội là một quá trình rất khó khăn. Đầu tiên, chúng tôi phải vào bản rồi đặt mua vườn lê của người dân. Sau đó, phải chọn kỹ càng, cành nào rất nhiều nụ và lộc non, cành nào có quả, thân xù xì, rêu mốc để cắt về".

Anh Hoàng cũng khẳng định, hiện tại rất khó tìm hoa lê mọc tự nhiên trong rừng, đa số những cành lê bày bán được mua của người dân trồng trên đồi.

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 2
Trải qua một quá trình, quãng đường di chuyển dài, những cành lê mới về tới Hà Nội

Một tiểu thương bán hoa lê khác trên đường Lạc Long Quân cho biết, đây là năm đầu tiên ông và gia đình bày bán hoa lê cho người Hà Nội. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều người dân Thủ đô vẫn dành thời gian để mua những cành lê về nhà chơi xuân.

"Ngoài bền, đẹp, màu trắng của hoa lê còn mang ý nghĩa cho sự thanh khiết, bình yên và ấm áp trong cuộc sống. Đây cũng là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân nên được rất nhiều người ưa chuộng", tiểu thương này nói.

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 3
Đa số những tiểu thương buôn bán lê ở Hà Nội đều khẳng định cành lê được lấy từ trên đồi trong rừng nhưng "rừng do dân trồng, dân trông coi"

Tuy nhiên, việc tìm ra một cành lê đẹp, có giá trị lại cực kỳ khó khăn. Từng tham gia nhiều chuyến hàng chở hoa lê từ trên các tỉnh miền núi phía Bắc xuống, tiểu thương này cho biết: "Chúng tôi phải mất ít nhất 2 ngày để có một chuyến xe xuống Hà Nội bán. Khó nhất là chúng tôi phải đi sâu vào trong các bản, làng ở tỉnh Lạng Sơn để tìm người dân trồng hoa lê. Đường đi đa phần là đồi núi nên vất vả lắm, rồi thuê người chặt, thuê người bó nữa để vận chuyển ra xe.

Tìm được vườn lê rồi, chưa chắc cành lê mình thấy đẹp, thấy ưng đã được mua đâu, còn dựa vào sự may mắn, cơ duyên nhiều nữa... Nhiều người có năm lấy được cành đẹp, năm lấy được cành xấu chứ".

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 4
Tìm mua được cành lê đẹp phải dựa nhiều vào may mắn

"Những cây lê già cỗi, sản lượng quả thấp, người dân sẽ đồng ý bán. Có khi chúng tôi nhắm được những cành lê đẹp, đầy đủ hoa, quả, nụ nhưng cây đó người dân để lấy quả, họ không bán thì có trả giá bao nhiêu cũng không được", tiểu thương này nói.

Đưa hoa lê xuống Hà Nội đã vất vả, bán hoa lê còn khó khăn hơn. "Chúng tôi phải nhờ con cháu lên trông coi và đứng giới thiệu cho người dân mua. Những người không có người thân thì phải mất tiền thuê thêm người bán. Đến tối, khi khách về hết, chúng tôi sẽ dựng lều, một người ngủ còn một người thức để coi lê khỏi bị trộm, cứ vậy thay ca nhau đến sáng", tiểu thương này nói thêm.

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 5

Người Hà Nội rộ mốt chơi hoa lê tiền triệu sau Tết, chuyên gia lên tiếng: 'Nên cấm việc chặt lê rừng' - 6
Những túp lều tạm bợ được tiểu thương dựng lên để trông coi hoa lê.

Chuyên gia lâm nghiệp nói gì về hoa lê rừng?

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Trưởng phòng Khoa học, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp (trường Đại học Lâm nghiệp) cho biết, hoa lê rừng còn gọi là hoa mắc cọp, cùng một chi với cây lê (cây ăn quả), trước đây mọc nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Hiện nay đang vào mua hoa lê, đi dọc các tuyến phố của Hà Nội không khó để bắt gặp những xe tải chở đầy cành lê về bày bán cho người dân Thủ đô.

Nói về thú chơi hoa lê, GS Ngô Quang Đê cho rằng: "Nhiều người dân thường thích chơi cây khủng. Các cành lê to, chơi mấy ngày rồi lại vứt rác thì rất phí, lại tăng rác về cho Thủ đô. Việc hoa lê có thể đem lại một phần lợi ích kinh tế nhưng đa phần lại rơi vào tay các tiểu thương vận chuyển về bán, người dân vùng cao không thu được nhiều".

"Văn hoá chơi hoa lê chỉ thoả mãn cho một số bộ phận, không phải toàn bộ người dân thành phố nên theo tôi về mặt hiệu quả văn hoá xã hội là không lớn", GS Ngô Quang Đê nói.

Theo GS Ngô Quang Đê, việc chặt bỏ lê rừng sẽ khiến cảnh quan sinh thái của rừng bị phá huỷ, môi trường bị ảnh hưởng. "Trước đây hoa đào, hoa mơ, hoa lê nở trắng rừng nhưng giờ không còn nữa do người dân chặt quá nhiều. Chặt quá nhiều cành lê sẽ khiến hệ sinh thái bị thay đổi.

Nếu hoa nở sẽ thu hút nhiều loại ong đến. Chặt hết cành đi thì không còn ong, mà mật ong rừng (tổng hợp các loài hoa) được nghiên cứu tốt hơn mật ong người nuôi (một loài hoa). Chỉ một ví dụ nhỏ này thôi đủ thấy những giá trị mà người dân chưa thấy hết khi chặt những loại hoa đào, hoa lê đi", GS Ngô Quang Đê nói thêm.

"Theo ý kiến của tôi, chính quyền nên cấm việc chặt lê rừng. Còn không, nếu muốn phát triển lâu dài, các địa phương nên hướng dẫn người dân trồng thành rừng, thành loại cây ăn quả sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế tốt hơn", GS Ngô Quang Đê chốt lại.

Theo Đinh Huy (Tổ Quốc)