Người giữ cờ và cuộc chiến cân não ở vĩ tuyến 17 trước 1975

29/04/2017 10:19:00

Cuộc chiến không tiếng súng, nhưng rất cân não giữa hai bờ Bến Hải những năm trước 1975 xoay quanh lá cờ và cột cờ.

Cuộc chiến không tiếng súng, nhưng rất cân não giữa hai bờ Bến Hải những năm trước 1975 xoay quanh lá cờ và cột cờ.

Căn nhà cấp 4 của cựu binh Đinh Như Quang (74 tuổi), ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, vẫn còn những bức ảnh tư liệu về cột cờ giới tuyến ở cầu Hiền Lương từ hàng chục năm trước. Những bức ảnh được giữ gìn cẩn thẩn, trang trọng, phản chiếu lại không gian mà ông Quang một thời chứng kiến. 

Nguoi giu co va cuoc chien can nao o vi tuyen 17 truoc 1975 hinh anh 1

Thương binh Đinh Như Quang còn giữ nhiều tấm ảnh tư liệu về cột cờ giới tuyến. Ảnh: Văn Được.

Trung đội giữ cờ

"Tôi lớn lên khi đất nước phân chia thành 2 miền. Ngày đó, tuổi mười tám đôi mươi của chúng tôi rất khó để gặp được những người bạn cùng trang lứa ở bên kia cầu Hiền Lương", người thương binh hạng 4 kể.

Từ 1956, ông Ngô Đình Diệm cùng chính quyền Sài Gòn phá bỏ hiệp ước đã ký kết, tập trung quân đội cùng vũ khí ở khu vực phía nam cầu Hiền Lương. Phía chính quyền Sài Gòn cho xây một cột cờ ở phía nam cầu Hiền Lương cùng hệ thống loa phát thanh công suất lớn, phát động cuộc đấu loa, thi cờ ở 2 bờ Bến Hải. 

Năm 1963, sau khi ông Quang học xong THPT thì về ở làng Hiền Lương (xã Vĩnh Thành), tham gia đội dân quân bám trụ khu vực giới tuyến. 

Huyện đội Vĩnh Linh luôn bố trí một lực lượng dân quân địa phương để tham gia bảo vệ, giữ tuyến phòng thủ. Một trung đội dân quân được cử bảo vệ cột cờ ở vĩ tuyến, sẵn sàng thay những lá cờ bị rách, bị đánh phá. "Tôi được giữ chức trung đội phó rồi lên trung đội trưởng sau khi chỉ huy hy sinh", ông Quang kể.

Theo ông Quang, lá cờ ban đầu ở phía miền Bắc dài hơn 4 m, rộng hơn 3 m được treo trên cột bằng cây phi lao cao 12 m. Ở bờ Nam, một lá cờ được cắm trên nóc lô cốt làng Xuân Hoà, cao đến 15 m.

Người dân ở khu vực giới tuyến bày tỏ nguyện vọng cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cao hơn cờ của đối thủ;  từ đó, cuộc đấu cờ bắt đầu nóng lên sau khi huyện đội Vĩnh Linh cho treo lá cờ rộng 24 m lên cột cao đến 18 m.

Nguoi giu co va cuoc chien can nao o vi tuyen 17 truoc 1975 hinh anh 2

Cựu binh Đinh Như Quang là thương binh hạng 4/4. Ảnh: Văn Được.

Cuộc đấu cờ

Sau khi thấy phía bắc cầu Hiền Lương có cờ lớn hơn, cột cao hơn, phía miền Nam cho xây cột trụ bằng bê tông cao 30 m, treo lá cờ lớn hơn.

"Sau đó, Trung ương đưa một cột cờ bằng thép ống cao hơn 34 m vào Hiền Lương để dựng lên cùng lá cờ rộng hơn 108 m. Khi lá cờ được treo lên, người dân ở phía bờ bắc không ngừng vỗ tay hoan hô", ông Quang nhớ lại.

Vị chỉ huy trung đội dân quân giữ cột cờ vĩ tuyến kể, năm 1965, trong một lần lái máy bay ra đánh phá cột cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đã bị pháo phòng không của miền Bắc bắn bị thương, phải hạ cánh khẩn cấp ở Đà Nẵng để cấp cứu.

Cuộc đấu cờ không chỉ dừng lại ở việc giữ cờ mà dần chuyển sang cả việc phá cờ của bên kia trong những năm đất nước bị chia cắt. Rất nhiều lần ông Quang chứng kiến máy bay của miền Nam đánh phá cột cờ ở đầu phía bắc cầu Hiền Lương. Ngay trong đêm, bộ đội liền vượt sông sang cài bộc phá, đánh sập cột cờ của chính quyền miền Nam để đáp trả.

Cùng với việc dựng cột cờ, việc giữ lá cờ thường xuyên tung bay ở giới tuyến cũng được ông Quang và đồng đội duy trì đều đặn mỗi ngày. Hàng trăm lá cờ được may ngay tại Vĩnh Linh, đưa về kho ở khu vực giới tuyến để sẵn sàng thay thế sau những lần bị máy bay của chính quyền miền Nam bắn phá. 

Nguoi giu co va cuoc chien can nao o vi tuyen 17 truoc 1975 hinh anh 3

Cột cờ vĩ tuyến hiện nay nằm ở đầu phía bắc cầu Hiền Lương. Ảnh: Văn Được.

Cột cờ giới tuyến trước khi bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập vào năm 1967 đạt độ cao lớn nhất là hơn 38 m, treo lá cờ rộng 134 m và nặng đến 15 kg. Vào thời điểm đó, máy bay B52 của Mỹ cùng nhiều máy ném bom của chính quyền miền Nam đã bắn phá, đánh sập cầu Hiền Lương cùng với cột cờ ở phía bắc cầu Hiền Lương.

"Sau cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc vào năm 1972, quân giải phóng của ta đã kiểm soát hoàn toàn khu vực vĩ tuyến, phá bỏ cột cờ phía bờ nam cầu Hiền Lương. Sau này, Nhà nước đã cho xây lại cột cờ to đẹp như ngày nay", cựu binh Đinh Như Quang nói.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Quang giữ nhiều chức vụ ở địa phương như chủ tịch hợp tác xã, chủ tịch mặt trận, thôn trưởng rồi chủ tịch hội cựu chiến binh. Người thương binh này đã mang câu chuyện giữ bám cột, giữ cờ của mình đi khắp đất nước, sang tận Hàn Quốc trong chuyến học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới để kể cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về một đoạn trong trang sử dân tộc Việt.

Từ năm 1956 đến năm 1967, những người lính an ninh miền Bắc giới tuyến cùng với trung đội dân quân đóng ở cầu Hiền Lương đã treo 267 lá cờ cỡ lớn. Sau khi bị máy bay Mỹ đáCunh gãy vào năm 1967, phía miền Bắc đã thêm 11 lần dựng cột cờ bằng gỗ cao 12-18 m và 42 lần lá cờ bị bom phá hỏng.

Theo Văn Được (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật