Quan điểm này được ông Huỳnh Thanh Nhân đưa ra tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên với Quận uỷ quận 9, ngày 26/12.
Hiện, kế hoạch triển khai Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức đã được Sở Nội vụ trình UBND TP HCM.
Ông Nhân cho biết, theo khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 653 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ thực hiện trong 60 ngày. Như vậy, từ 1/1/2021 đến 1/3/2021 là giai đoạn chuyển tiếp. Trong thời gian này, các quận, phường vẫn phải giải quyết thủ tục hành chính bình thường cho người dân, doanh nghiệp. Nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ từ quận 9 sang thành lập TP Thủ Đức thì vẫn phải thực hiện và không thu phí.
"Chúng ta phải giải thích rằng, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Người dân chưa có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ và giấy tờ còn hiệu lực thì sử dụng bình thường", ông Nhân nói.
Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh; trừ trường hợp không có cấp trưởng và phó để giải quyết công việc thì được bố trí. Về số lượng cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, trước mắt sẽ sắp xếp theo phương án nhập cơ học đối với cấp phó và công chức.
Liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, lãnh đạo thành phố đã nắm bắt được sự phấn khởi cũng như tâm tư, lo lắng của người dân trước việc sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức. Ngày 25/12, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
"Quận 9 dù phải giải quyết những việc cấp bách cần cho sự phát triển của quận nhưng cũng không được xem nhẹ việc giải quyết những tồn đọng trong nhân dân. Cả hai việc phải được làm song song, không nên nặng, nhẹ bên nào", ông Nên yêu cầu.
Trước đó, báo cáo đoàn công tác, Bí thư Quận uỷ quận 9 Lâm Đinh Thắng nói rằng, vấn đề người dân quan tâm nhất là giải quyết giấy tờ thế nào khi xây dựng thành phố mới. Vì vậy, thành phố cần có kế hoạch và một bộ phận cụ thể làm việc này và công bố thông tin rộng rãi để người dân an tâm.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng kiến nghị giữ nguyên cơ cấu cán bộ công chức, viên chức của quận 9 sau khi thành lập TP Thủ Đức. "Nếu có giảm thì giảm theo thời gian, vì giảm ngay sẽ ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của cán bộ. Nhiều người đang là trụ cột gia đình nếu bị mất việc sẽ ảnh hưởng đến đời sống cả gia đình", ông Thắng nói.
Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, những ngày gần đây, lượng hồ sơ hành chính trên địa bàn quận tăng đột biến. Nhiều người dân, doanh nghiệp biết thông tin sắp thành lập TP Thủ Đức nên đến làm hồ sơ hành chính để giải quyết dứt điểm công việc, bởi lo lắng bộ máy chính quyền mới phải có thời gian chuyển tiếp sẽ chậm xử lý.
"UBND quận đã yêu cầu cán bộ, công chức tập trung làm ngoài giờ để cố gắng giải quyết tất cả các hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp. Không vì quá trình chuyển tiếp mà làm ảnh hưởng đến nhu cầu của họ", ông Bảy nói.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)