Hai ngày qua, nhóm người dưới chân núi Dinh ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tình nguyện dẫn đường, băng rừng cùng bộ đội để tìm kiếm máy bay mất tích.
Khi biết trực thăng đang huấn luyện rơi tại khu vực núi Dinh, hơn 10 người dân ấp 4, xã Tóc Tiên cùng nhóm người ở các xã Tân Hòa, Châu Pha, Hắc Dịch tình nguyện cắt rừng, chỉ đường cho bộ đội.
Hiện trường vị trí máy bay rơi ở khu vực núi Ba Quan, phía sau chùa Kim Liên. Ảnh:CTV. |
Quanh năm sống dưới chân núi, những người dân tham gia đoàn cứu nạn đã quen với kỹ năng cắt rừng và thuộc lòng từng vị trí trên núi Ba Quan. Chính họ đã tìm ra vị trí máy bay rơi và trực tiếp mang các nạn nhân từ đỉnh cao xuống khu vực tập kết.
Vừa xuống núi, mồ hôi nhễ nhại, áo ướt sũng vì mưa, anh Vũ Hào Quang (xã Hắc Dịch, Tân Thành) là người đầu tiên phát hiện xác máy bay rơi cho biết từ hôm qua, thanh niên này đã linh cảm chính nhóm người dân sẽ tìm được các anh. Vị trí xác máy bay chỉ cách lều chỉ huy khoảng 40 m, do khu vực này có tổ ong nên sáng sớm đoàn tìm kiếm không tiếp cận gần.
Đến trưa, mọi người quay lại thì phát hiện xác máy bay tại địa điểm trực thăng tìm kiếm bắn pháo sáng.
Anh Vũ Hào Quang (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) là người đầu tiên phát hiện vị trí máy bay rơi. Ảnh: Hải An. |
"Tôi và chị Trần Thị Hà Thu (Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Tóc Tiên) cùng đi một tổ, với nhiệm vụ cắt rừng tìm phía sau lều chỉ huy. Khi hai chị em đang tìm thì thấy trực thăng cứu nạn lượn trên đầu, bắn pháo sáng xuống gần khu vực mình đứng. Tiến tới một đoạn vài chục mét đường rừng thì chị em tôi phát hiện xác máy bay và thi thể 3 phi công", anh Quang nói.
Theo anh Quang, khu vực phát hiện máy bay là rừng rậm, rất khó tìm. Vụ tai nạn đã làm một khoảnh rừng bị cháy, cánh trực thăng cắt xén cây cối trong phạm vi 10 m2. Xung quanh là những mảnh vỡ máy bay, các thi thể nằm 3 hướng khác nhau.
Sau khi phát hiện, anh đã báo với chỉ huy và cùng các chiến sĩ của ban chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành phong tỏa hiện trường, đưa 3 thi thể xuống núi.
Cũng vừa trở về sau một ngày dầm mưa, băng rừng tìm kiếm máy bay mất tích, anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp 4, xã Tóc Tiên) chia sẻ: "Có chứng kiến tận mắt hiện trường vụ tai nạn mới thấy xót thương. Lúc đó đã trưa, mưa lớn, người thấm mệt nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm đưa thi thể các anh xuống núi thật nhanh".
Anh Nguyễn Văn Tuấn (giữa) cùng những người hàng xóm thức dậy từ rất sớm để dẫn đường cho lực lượng quân đội tìm kiếm vị trí máy bay rơi trên núi Dinh. Ảnh: Hải An. |
Nhóm tìm ra vị trí xác máy bay đi theo hướng 4, từ chùa Kim Liên lên núi gồm 11 người dân ấp 4, xã Tóc Tiên. Họ đi cùng lực lượng do thượng tá Trần Văn Cư - Trưởng ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Thành, trực tiếp chỉ huy.
Đây được xem là nhóm nòng cốt khi có sự hỗ trợ đắc lực của những người dân địa phương vì mọi người nắm rõ vị trí, lối đi và có kỹ năng băng rừng ở khu vực hiểm trở như núi Dinh. Nhóm này phát từ chùa Kim Liên lúc 6h30 và sau 4 giờ đã tìm thấy xác máy bay.
Theo thượng tá Cư, thời gian phát hiện xác máy bay khoảng 11h15. Đây cũng là lúc trực thăng của lực lượng cứu hộ bắn pháo sáng chỉ vị trí máy bay rơi.
Lực lượng cứu nạn của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó đã phong tỏa hiện trường, tiến hành các thủ tục đưa ba thi thể phi công tử nạn xuống núi.
Các anh được mọi người đưa đến chùa Kim Liên trước khi lực lượng chức năng chở về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở TP.HCM để tổ chức lễ viếng.
8h03 ngày 18/10, trực thăng của Trung tâm Huấn luyện Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632EC130T2 bị mất liên lạc tại khu vực tây bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km. Ba phi công trên máy bay là đại úy Dương Lê Minh (giáo viên) và hai trung úy Đặng Đình Duy, Nguyễn Văn Tùng (cùng là học viên). Trưa 19/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy xác máy bay và xác nhận ba phi công đã tử nạn. |
Theo Phước Tuần (Zing.vn)