Bắt đầu chạy thử nghiệm sau 10 năm chờ đợi
Bắt đầu từ ngày 20/9, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (đường sắt trên cao) bắt đầu đi vào chạy thử nghiệm chính thức. Theo Ban quản lý dự án, hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử từ 3 – 6 tháng, sau đó, dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, Tổng thầu Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn công tác vận hành thử nghiệm. Hiện toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân Trung Quốc của dự án đã có mặt tại Việt Nam. Sau này, những công nhân người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước.
Theo đó, Dự án sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử toàn bộ 11 hệ thống thiết bị theo kế hoạch Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi tàu có 4 toa. Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi, khổ là 1.435 mm. Điểm xuất phát của dự án bắt đầu từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến ga Cát Linh (quận Đống Đa). Quãng đường di chuyển của tàu là hơn 13km, mỗi ga, đoàn tàu sẽ dừng lại một phút để đón trả khách. Vận tốc tàu chạy tối đa là 65km/giờ, tốc độ trung bình là 30 - 35km/giờ. Những ngày đầu chạy thử nghiệm, các đoàn tàu có thời gian chạy giãn cách là 10 - 12 phút/chuyến, sau 3 - 6 tháng, khi đi vào khai thác thương mại, các đoàn tàu sẽ rút ngắn dần thời gian giãn cách theo thiết kế và đạt 5 phút/chuyến. Ngoài ra, trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Mặc dù tàu có thiết kế vận tốc là 80 km/h. Tuy nhiên, vận hành tốc độ trung bình chỉ 30km/h do các ga cách nhau chỉ hơn 1km.
Cư dân Thủ đô kỳ vọng gì?
Sau những ngày chờ đợi, trước kế hoạch vận hành thử nghiệm chính thức đường sắt trên cao được “ấn định”, khiến không ít người dân Thủ đô vui mừng và đặt hy vọng từ những tiện ích của một công trình công cộng mang lại. Anh Trần Bảo Khánh (28 tuổi, ở Trung Kính) cho biết: “Tôi nghe được khá nhiều ý kiến không tích cực từ dự án đường sắt trên cao giữa trung tâm Thủ đô. Nhưng bản thân tôi thấy, so với các dự án giao thông hiện có ở nước ta thì dự án đường sắt trên cao này nhanh, rẻ, tiện ích, đáp ứng đúng nhu cầu đi lại trong nội đô của người dân. Về vận tốc 30km/h thì với tàu chạy trong nội đô, vận tốc đó là hợp lý”.
Tương tự, bà Lê Ánh (56 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết: “Gia đình tôi chứng kiến từ thuở bắt đầu chặt hàng cây cổ thụ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi, đến khi khởi công dự án. Đến hôm nay là bắt đầu nghe tiếng còi tàu hú trên cao và những tiếng di chuyển của tàu. Thay vì có hàng cây mát mẻ như ngày xưa, thì gia đình tôi phải thay đổi và chịu khá nhiều áp lực từ môi trường sống. Mặc dù vậy, tôi đặt kỳ vọng rất nhiều vào một công trình đột phá của Thủ đô. Tiến tới, hoàn thiện thêm dự án đường sắt đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và có thêm điểm nhà ga C9 ở ven bờ hồ Gươm thì nhu cầu đi lại của người dân cũng được tiện lợi hơn. Đặc biệt như nhà tôi, thay vì phải điều khiển ô tô để lên phố thì giờ chỉ cần bước lên ga đường sắt trên cao ngay cửa nhà là có thể di chuyển đến địa điểm cần đến”.
Là kỹ sư xây dựng, anh Lê Quân (ở Hoàng Mai) thẳng thắn: “Người dân đã chờ đợi ngày vận hành con tàu này quá lâu, tôi mong nhà thầu khẩn trương hoàn thiện những hạng mục còn dang dở, để tàu đi vào hoạt động chính thức, phục vụ nhu cầu đa phương tiện giao thông tại Thủ đô. Tôi thật sự mong mỏi, đất nước ta không chỉ có đường sắt trên cao tại Hà Nội, mà còn có công nghệ tàu cao tốc, chậm còn hơn không bao giờ. Giao thông bằng tàu cao tốc rất tiện dụng, linh hoạt, chuyên chở lượng hành khách lớn, an toàn, thủ tục đơn giản. Trong tương lai còn cần ngầm hóa giao thông thì công nghệ tàu cao tốc là số 1. Tôi chỉ mong mỏi ngành đường sắt và Bộ GTVT sớm hiện thực hóa những đề án đó, để đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận lợi với tiêu chí nhanh, tiết kiệm thời gian, tiền bạc”.
Người dân Thủ đô cũng kỳ vọng, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhanh chóng đi vào vận hành sẽ giảm tải giao thông để những tuyến đường có đường sắt trên cao chạy qua sẽ không còn cảnh giao thông lộn xộn, tắc đường vào những giờ cao điểm.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hiện khối lượng xây lắp các dự án đã hoàng thành hơn 90%. Trước đó, theo kế hoạch đã đề ra, dự án được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống từ tháng 10/2017 và đến quý 2/2018 sẽ bắt đầu khai thác thương mại. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên dự án đã nhiều lần chậm tiến độ.
Theo Hạ Di (Giadinh.net.vn)