Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, sáng nay (28/7), hai trận động đất liên tiếp xảy ra tại Mộc châu (Sơn La). Một trận lúc 6 giờ 17 phút 20 giây, có độ lớn 3,3 với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận thứ hai xảy ra lúc 8 giờ 26 phút 42 giây, có độ lớn 4,0 với độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1 km. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Như vậy, đây là trận động đất thứ 8 ghi nhận được ở huyện Mộc Châu tính từ trận động đất 5,3 độ trưa qua. Trong đó, trận động đất chính 5,3 độ đã gây rung chấn cho nhiều tỉnh ở miền Bắc. Tại Hà Nội, người dân sống trong tầng thấp của các tòa nhà cũng có thể cảm nhận rất rõ rung chấn của trận động đất này.
Như vậy là trong thời gian một ngày, tại huyện Mộc Châu xảy ra tới 8 trận động đất - điều này chưa từng xảy ra khiến người dân vô cùng bất an.
Anh Ngô Hải Dương, người dân ở tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Tôi thấy gia đình chúng tôi và mọi người xung quanh rất hoảng loạn. Ngay từ chiều, gia đình chúng tôi và những người hàng xóm cách tâm chấn khoảng 3km đã chủ động các phương án ứng phó.
Chúng tôi có bố trí người túc trực thường xuyên và chủ động đảm bảo an toàn nhất cho mọi người trong gia đình và những người hàng xóm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng thấp thỏm".
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, những trận động đất trên xảy ra tại đứt gãy sông Đà, một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Hiện nay, đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành của Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở đây. Các nhà khoa học dự kiến sẽ lưu lại khoảng 10 ngày để khảo sát.
Các nhà khoa học nhận định trong 2-3 ngày sau khi xảy ra trận động đất chính 5,3 độ, sẽ còn nhiều các dự chấn xảy ra ở huyện Mộc Châu. Các nhà khoa học cũng nhận định, các trận động đất liên tiếp thời gian gần đây tại Mường Tè, Lai Châu và mới nhất là Mộc Châu, Sơn La cho thấy, vùng Tây Bắc nước ta đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam, chính quyền và người dân ở khu vực này cần phải theo dõi sát sao hoạt động động đất và phải cập nhật những quy định phòng chống định kỳ hàng năm để kháng chấn các công trình, nhà cửa,... Khi xảy ra động đất người dân cần phải thực hiện quy tắc phòng chống như: Trong tòa nhà vững chắc thì hãy bảo vệ cơ thể khỏi những tấm đổ vỡ, nếu đang ở bên ngoài thì chạy ngay ra khu vực bãi đất trống, nếu ở đồi núi thì tránh xa dốc (có thể bị sạt lở), đang chạy xe thì dừng lại vào lề đường…
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có khả năng động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)