"Phố đi bộ Bùi Viện" dài 650 m (quận 1) dự kiến hoạt động từ giữa 2017 hứa hẹn là điểm tham quan, giải trí của du khách với nhiều dịch vụ ăn uống, nghệ thuật phong phú.
Theo dự thảo đề án, phố đi bộ hạn chế phương tiện lưu thông vào khu vực tuyến đường Bùi Viện định kỳ hàng ngày từ 19h đến 2h sáng hôm sau. Các cơ sở kinh doanh được phép bày bán trên toàn bộ vỉa hè, không được tràn xuống lòng đường. Lòng đường dành cho du khách đi bộ.
Phòng kinh tế (UBND quận 1) có nhiệm vụ kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp để quy hoạch các cơ sở kinh doanh phong phú, đa dạng mặt hàng, không trùng lắp; nghiên cứu, từng bước phát triển sản phẩm du lịch trong các tuyến hẻm của đường Bùi Viện.
“Đề án ban đầu thí điểm tổ chức trước vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Sau đó tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến của người dân, tiếp thu phản ánh, nghiên cứu các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của người dân”, ông Cao Hồng Việt, Phó chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cho biết.
"Khu phố Tây ba lô Bùi Viện" tập trung rất đông du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí vào ban đêm. Ảnh: Tùng Tin. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND quận 1, phố đi bộ Bùi Viện sẽ được xây dựng và triển khai các sản phẩm lễ hội có tính biểu tượng, gắn liền với đặc trưng khu phố. Phố cho phép khách du lịch trở thành đại sứ văn hóa của các nước, giới thiệu nhiều nền văn hóa đến cộng đồng, tạo không gian du lịch đa dạng bằng các hoạt động lễ hội, diễu hành, du ca, âm nhạc đường phố...
Trao đổi với PV, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đề án cơ bản đã hoàn thành và thống nhất các nội dung giữa Sở, UBND quận 1 và các sở, ban ngành liên quan.
“Tuần sau chúng tôi sẽ có buổi họp cuối cùng thống nhất vài nội dung trước khi trình lên UBND TP phê duyệt. Dự kiến giữa năm 2017, phố đi bộ Bùi Viện sẽ hoạt động thí điểm”, ông Khánh cho hay.
Ông Cao Hồng Việt cũng cho hay đơn vị đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến của người dân, chuyên gia, các sở ban ngành về dự thảo đề án lên UBND quận 1.
Ngồi vỉa hè uống bia là đặc sản của 'Khu phố Tây ba lô Bùi Viện" giữa lòng Sài Gòn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Tùng Tin. |
Trong dự thảo đề án, phố đi bộ được xây dựng trên trục đường Bùi Viện dài 850 m từ mũi thuyền đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão). Đây hứa hẹn là địa điểm tham quan, giải trí của du khách trong và ngoài nước với nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí, nghệ thuật đa dạng, phong phú.
Toàn bộ vỉa hè đường Bùi Viện sẽ được sửa chữa, lát mới toàn bộ và lắp đặt triền lề bằng đá gratine, nâng hạ - sửa chữa hầm ga thu nước hiện hữu. Đồng thời, quận sẽ chỉnh trang nâng cấp đồng bộ các tuyến hẻm nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo hình ảnh khu vực trung tâm du lịch xanh, sạch, đẹp.
Ngoài ra, hệ thống dây diện, cáp viễn thông sẽ được ngầm hóa hoàn toàn. TP bố trí sắp xếp các bãi xe gắn máy phục vụ người dân và du khách đến tham quan. Xây dựng bãi giữ xe ở khu B công viên 23/9 cách Phố đi bộ 200 m do Lực lượng thanh niên xung phong TP phụ trách...
Ông Cao Hồng Việt cũng cho biết, dự thảo đề án cũng đề xuất lắp đặt barie cấm các loại xe lưu thông kết hợp, trang trí, tuyên truyền về hoạt động của phố đi bộ. Các barie có tính cơ động cao, di chuyển được, gọn nhẹ, đảm bảo mỹ quan cho khu du lịch.
Lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão thông tin, phố đi bộ sẽ được lắp đặt 25 camera an ninh dọc tuyến phố, các khu vực trọng điểm. Lực lượng công an, lực lượng bảo vệ du khách của Sở Du lịch thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo đảm an ninh du lịch...
Lịch sử "Khu phố Tây ba lô" giữa Sài Gòn Khu tứ giác Đề Thám - Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu - Bùi Viện từ lâu quen thuộc với người dân TP.HCM với tên gọi “Khu phố Tây ba lô”. Năm 1993, khi khu vực Phạm Ngũ Lão được nhắc đến trong tập sách du lịch “Lonely Planet”, nhiều nhóm du khách “bụi” từ Nhật, Pháp, Anh, Mỹ, Phi châu... đã đưa khu Phạm Ngũ Lão vào điểm hẹn khi họ đến Sài Gòn. Từ đó đến nay nơi này phát triển rầm rộ, nhất là dịch vụ khách sạn, quán ăn, cửa hàng, quán bar, cà phê, liên tục từ sáng đến nửa đêm. Dần dần khu vực trở thành điểm du lịch khép kín. Người Việt ở phố Tây ít nhiều đều nói được tiếng Anh. Đặc biệt du khách chọn phong cách đi ít người, tiêu xài tiết kiệm, khu phố Tây từ đó có giá dịch vụ thấp từ ăn uống, cắt tóc, cho thuê xe 2 bánh, bưu điện.. |
Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)