Ngày 3/9, ông P. đi tiêm vắc xin tại số 21 Trung Liệt. Ngày 6/9, ông đưa người nhà đi khám tại Phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện tại, ông không có triệu chứng. Trước đó, trưa 31/8 tại ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn nơi ông này sinh sống, đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19.
Theo kết quả xét nghiệm, tải lượng virus của người đàn ông này thời điểm phát hiện dương tính là rất thấp.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia BV Nhi đồng 1, TP HCM việc khả năng 1 người tái dương tính rất hiếm. Bác sĩ Khanh cho biết trường hợp này cần thực hiện 3 vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, trong lần đầu xác định PCR có khẳng định đúng 100% bệnh nhân dương tính, không bị lẫn mẫu hay không. Lần 1 dương tính đã được xét nghiệm kháng thể sau nhiễm hay không.
Thứ hai, hiện tại ca bệnh này đã được xét nghiệm khẳng định PCR hay chỉ là test nhanh và phải cấy virus mới có thể khẳng định chắc chắn là tái nhiễm.
Thứ ba, theo bác sĩ Khanh có xuất hiện ca bệnh bị nhiễm lại trên thế giới nhưng rất hiếm. Với ca bệnh ở Hà Nội bác sĩ Khanh đặt giả thuyết người này trước đó dương tính giả hoặc hiện tại dương tính giả thay vì khẳng định bị nhiễm lại Covid-19.
Về khoa học, bác sĩ Khanh cho rằng chỉ xác định ca bệnh bị tái nhiễm bệnh khi cấy virus và có kết quả xét nghiệm kháng thể lần 1 như thế nào. Còn hiện tại các ca tái nhiễm ở Việt Nam đã được xác định chỉ là do xác virus còn lại, khi xét nghiệm thì dương tính. Những ca tái nhiễm này hầu như không có khả năng lây cho người xung quanh.
Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức Y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho rằng trường hợp này có thể là do cơ thể người bệnh chưa phát triển đầy đủ các kháng thể đặc hiệu với virus Sars-Cov-2 hoặc âm tính giả lần 1 cũng là một khả năng gây tái nhiễm.
Hiện tại với các biến thể khác nhau của virus thì khả năng nhiễm bệnh lại hoàn toàn có thể xảy ra. Vào cuối năm ngoái, có thể bệnh nhân nhiễm với 1 biến thể khác và hiện tại nhiễm lại biến thể Delta.
Ở người khoẻ mạnh, khi chúng ta gặp virus lần đầu tiên, cơ thể sẽ chiến đấu và sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu cho con virus này. Lần sau khi con virus vào cơ thể lần nữa, cơ thể chúng ta sẽ "nhớ" và dùng các kháng thể này tiêu diệt các con virus. Đây cũng là cách chúng ta dùng vắc xin để ngăn ngừa bệnh. Vắc xin đưa vào cơ thể tập luyện cho cơ thể chúng ta "đánh" con virus này thành công, và tạo ra các kháng thể đặc hiệu.
Tuy nhiên, quá trình tạo ra đủ kháng thể đặc thù có thể mất vài tuần cho đến vài tháng. Vì vậy, nếu bệnh nhân ở vùng dịch nơi có mật độ virus Sars-Cov-2 rất cao thì khả năng tái nhiễm hoàn toàn xảy ra do cơ thể bệnh nhân có thể chưa sản xuất đầy đủ kháng thể Antibodies.
Ngay kể cả người tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì tỷ lệ nhiễm Covid-19 vẫn là 20 – 30%. Bác sĩ Huynh Wynn cho biết mới đây, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo về việc mắc Covid-19 dù đã tiêm vắc xin. Các nghiên cứu chỉ ra kết quả dù tiêm vắc xin Moderna, vắc xin Pfizer cả hai đều hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm virus và nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mức hiệu quả giảm dần theo thời gian. Cụ thể vắc xin mRNA-1273 hiệu quả 86% (CI 81-90.6) và Pfizer 85% (CI 73-93) hiệu quả trong thời gian theo dõi, đến tháng 7 thì hiệu quả giảm xuống còn 76% (CI 58-87) ở vắc Moderna và chỉ còn 42% (CI 13-62) ở vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa nhiễm virus mặc dù hiệu quả ngừa nhập viện là gần như tương đương ở hai vắc xin.
Hiện vẫn chưa biết chính xác vì sao cả hai vắc xin cùng dùng công nghệ mRNA nhưng hiệu quả lại không giống nhau.
Đây có thể là cơ sở để CDC chuẩn bị ra khuyến cáo về liều vắc xin tăng cường thứ 3, có thể là dùng Moderna vào đầu tháng 9. Tháng trước, hội đồng vắc xin từ CDC (ACIP) đã họp và khuyến cáo chích mũi thứ 3 tăng cường cho bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.
Chính vì thế, ngay cả khi bạn đã nhiễm Covid-19 thì kháng thể bảo vệ có thể cao hơn hoặc chỉ 6 tháng sau vẫn nhiễm lại biến thể khác.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)