Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đã tỉnh hoàn toàn sau khi được truyền huyết thanh chống độc

20/08/2020 10:23:08

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sang cho biết, sau khi sử dụng huyết thanh chống độc, sức cơ tứ chi bệnh nhân hồi phục tốt, mắt mở to.

Ngày 20/8, trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bệnh nhân P.V.T. (48 tuổi) đã tỉnh hoàn toàn. Ông T. là người bị rắn hổ mang chúa cắn, sau đó được chuyển từ Bệnh viện Tây Ninh xuống.

Theo bác sĩ Sang, sau khi sử dụng huyết thanh chống độc, sức cơ tứ chi bệnh nhân hồi phục tốt, mắt mở to.

Bệnh nhân đang tập ngưng sử dụng máy thở. Tuy nhiên trong 48 giờ tới, người này cần được theo dõi biến chứng về tim mạch vì nọc độc rắn có thể tấn công vào cơ tim dễ gây tử vong.

Bên cạnh đó, vết thương ở đùi bệnh nhân T. có nhiều nọc độc, dễ làm viêm và tổn thương các mô xung quanh gây nhiễm trùng tại chỗ.

“Sau khi xác định chính xác con rắn hổ mang chúa đã cắn bệnh nhân, các bác sĩ chọn phác đồ điều trị thích hợp và trả lại con vật cho người nhà”, bác sĩ Sang nói.

Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đã tỉnh hoàn toàn sau khi được truyền huyết thanh chống độc
Nạn nhân khi được đưa tới bệnh viện. Ảnh: báo Tây Ninh

Theo báo Tây Ninh, người nhà bệnh nhân kể khoảng hơn 7h sáng nay (19/8), khi đang làm thuê trong vườn mãng cầu ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), khu vực giáp chân núi Bà Đen (Tây Ninh), anh T. phát hiện một con rắn hổ mang chúa đen dài nên cố đuổi bắt.

Anh bất ngờ bị con rắn quay lại cắn trúng vào đùi phải. Dù bị rắn cắn nhưng anh T. nhanh tay chụp được đầu con rắn, chạy nhanh ra đường kêu người đến cứu giúp.

Người đàn ông này được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh khi trên tay vẫn còn cầm con rắn đã cắn mình.

Bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết trên báo Tây Ninh, anh T. nhập viện trong tình trạng tỉnh, thở đều, phần chân phải tím tái, chảy máu. Các bác sĩ bệnh viện đã xử lý băng ép đùi phải đến gối, tháo ga rô, rửa vết thương.

Ban đầu, bệnh nhân rất tỉnh, nhưng sau gồng người, tím tái, thở gấp, phải cho thở máy. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy hô hấp do rắn hổ mang chúa cắn nên lập tức chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo bác sĩ Thái Bình, bệnh viện đã dùng nhiều phương pháp để giữ đường thở, nhịp tim của bệnh nhân V.T. trong quá trình chuyển tới được Bệnh viện Chợ Rẫy.

"Mỗi loài rắn sẽ có một loại huyết thanh kháng độc riêng, nên chỉ trông chờ vào huyết thanh kháng độc của Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, điều may mắn là có xác con rắn, hy vọng đội ngũ y bác sĩ sẽ cứu được bệnh nhân V.T.", báo Tây Ninh dẫn lời Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thái Bình.

Theo báo giới, con rắn hổ mang chúa cắn anh T. dài khoảng 3 mét, nặng gần 4,5kg.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin với báo Tuổi trẻ online, đơn vị tiếp nhận bệnh nhân T. từ Bệnh viện đa khoa Tây Ninh lúc 12h45 hôm nay, trong tình trạng bị vết thương ở đùi, liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ.

Lúc này con rắn được chuyển cùng bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng buộc chặt miệng và chết sau đó. Bệnh nhân được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau khi sử dụng, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.

"Đối với rắn hổ chúa, ngoài nhiễm độc thần kinh còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim. Do đó dù tạm thời qua khỏi nguy kịch nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi rất sát biến chứng tim mạch, liệt cơ để kịp thời xử lý. Hiện bệnh nhân vẫn còn phải thở máy", Tuổi trẻ online dẫn lời bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang.

Bác sĩ Sang khuyến cáo nếu người dân không may bị rắn cắn, điều đầu tiên là cần hết sức bình tĩnh. Cần bất động vị trí bị rắn cắn nhằm tránh phát tán nhanh nọc độc ra cơ thể và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, có bước xử lý tiếp theo.

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật