Người dân nghi ngờ pháp lý Dự án đường vành đai 2,5 Định Công, chính quyền nói gì?

21/09/2018 18:18:46

Xung quanh dự án đường vành đai 2,5 Định Công (đoạn Đầm Hồng- Quốc lộ 1A) quận Hoàng Mai (Hà Nội), người dân phản ánh nhiều vấn đề và nghi ngờ tính pháp lý của dự án. Sự việc này ra sao?

Những phản ánh về dự án

Theo nhiều người dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng của Dự án đường vành đai 2,5 Định Công (đoạn Đầm Hồng- Quốc lộ 1A) phản ánh 7 vấn đề: Thứ nhất, các hộ dân cho rằng Dự án không có Quyết định phê duyệt chi tiết; thứ hai thiếu bản vẽ quy hoạch giao thông; thứ ba không có bản vẽ màu; thứ tư dự án không có bộ thuyết minh tổng hợp; thứ năm không có quyết định phê duyệt cắm mốc giới; thứ sáu không có biên bản cắm mốc giới và bàn giao mốc giới ngoài thực địa; thứ bảy không có đĩa CD lưu trữ hồ sơ dự án.

Người dân nghi ngờ pháp lý Dự án đường vành đai 2,5 Định Công, chính quyền nói gì?
Đường vành đai 2,5 Định Công (Đầm Hồng- Quốc lộ 1A) được phê duyệt từ năm 1992 nhưng đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, một số hộ dân còn cho rằng, họ không có đất nằm trong dự án nhưng vẫn bị thu hồi. Thậm chí, người dân cho rằng chủ đầu tư tự ý nắn đường; bản chất thực hiện dự án là làm đường nhưng lại là phân lô bán nền. Hiện nay, nhiều người không đồng ý nhận tiền đền bù thu hồi đất, họ liên tục đâm đơn khiếu kiện lên chính quyền thành phố.

Chủ đầu tư lên tiếng

Được biết, Chủ đầu tư của Dự án đường vành đai 2,5 Định Công (Đầm Hồng- Quốc lộ 1A) là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai – Một công ty do liên danh giữa Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà và Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội lập ra để thực hiện dự án. 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Thương hiệu và Công luận, ông Đinh Quang Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà cho biết, đây là dự án công của thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng. Dự án được thành phố giao cho liên danh giữa Công ty NNHH Xây dựng Công trình Hoàng hà và Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư rót vốn thực hiện. Chủ đầu tư được thành phố trả đất để khấu trừ kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường.

Ông Đinh Quang Tiến cho hay, tổng tuyến đường vành đai 2,5 dài khoảng 20km; trong đó đoạn Đầm Hồng- Quốc lộ 1A dài 2,1km. Đoạn đường này rộng 40km, thiết kế 2 làn xe, dải phân cách ở giữa rộng 3m, 2 lề vỉa hè mỗi bên rộng 7,25m. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà, dự án đường vành đai 2,5 Định Công (Đầm Hồng- Quốc looj1A) đầy đủ pháp lý; có quy hoạch của thành phố, được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cắm mốc bàn giao mặt bằng.

Người dân nghi ngờ pháp lý Dự án đường vành đai 2,5 Định Công, chính quyền nói gì? - 1
Công văn số 2370/UBND-ĐT ngày 16/5/2017 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Nguyễn Thế Hùng trả lời về pháp lý dự án đường vành đai 2,5 Định Công.

“Với trách nhiệm của Nhà đầu tư, tôi giải thích rõ như sau, Nhà đầu tư có trách nhiệm bỏ tiền đền bù, triển khai dự án khi chính quyền phường, quận bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư phải thực hiện dự án theo hồ sơ được thành phố phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cắm mốc. Một số hộ dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng, họ khiếu kiện, chúng tôi, UBND quận Hoàng Mai đã 2 lần tiếp xúc dân. Thậm chí, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội phải mang cả bản đồ quy hoạch dự án xuống để chỉ cho dân xem. Dự án được phê duyệt 15 năm qua, thực tế đến giờ chính quyền chưa giải phóng mặt bằng xong. 
Nhiều hộ dân cho rằng họ không có đất trong diện bị thu hồi, bởi lẽ hồ sơ phê duyệt dự án sót tên phường Hoàng Liệt. Sau đó, UBND thành phố đã có Quyết định điều chỉnh dự án. Nhưng một số hộ vẫn không nghe. Không có mặt bằng thi công khiến chúng tôi thiệt hại kinh tế rất lớn”, ông Tiến nói.

Chính quyền quận Hoàng Mai nói gì?

Để tìm hiểu khách quan sự việc, phóng viên liên hệ UBND quận Hoàng Mai đặt lịch làm việc. UBND quận Hoàng Mai đã phân công Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai trả lời phóng viên.

Qua trao đổi, bà Đồng Thị Như Hoa- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, Dự án đường vành đai Định Công (Đầm Hồng- Quốc lộ 1A) có chiều dài tuyến là 2.061m, mặt cắt ngang rộng 40m, đầy đủ hồ sơ pháp lý được UBND thành phố phê duyệt.

Theo đó, căn cứ Quyết định số 1555/QĐ-UBND ngày 6/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội thu hồi diện tích 67.125m2 gồm: 58.411,8m2 tại quận Hoàng Mai (phường Định Công là 51.333m2; phường Thịnh Liệt là 7.079m2); quận Thanh Xuân thu hồi 8.713m2 đất thuộc phường Khương Đình.

Dự án liên quan đến 577 hộ gia đình và tổ chức với diện tích thu hồi 58.411,8m2. Đến nay, có 398 hộ và 01 tổ chức nhận đền bù bàn giao mặt bằng (đạt 52.977,3m2 tương đương gần 90%). Cụ thể, quận đã bàn giao 48.000m2 cho Chủ đầu tư thực hiện thi công. Còn lại 179 hộ và 04 tổ chức; 01 phương án đất nông nghiệp Ao cổng kho và 34 hộ có 51 công trình, tài sản trên đất Ao cổng kho.

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất Hoàng Mai thông tin, tính đến nay, quận đã thực hiện 2 đợt cưỡng chế. Quá trình thực hiện vận động nhiều hộ tự nguyện tháo dỡ, địa phương không phải cưỡng chế. “Đợt cưỡng chế thứ 3 dự kiến vào đầu tháng 10, sẽ cưỡng chế 28 hộ. Quận và trung tâm đang thực hiện các quy trình đảm bảo công bằng cho các hộ trong quá trình giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có một số khó khăn khi xử lý đất nông nghiệp, khó quy chủ. Có tình trạng đất của 1 người, tài sản trên đất của người khác”, bà Hoa nói.

Theo tìm hiểu, tại Công văn số 2370/UBND-ĐT ngày 16/5/2017 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Nguyễn Thế Hùng ký xác nhận, đoạn tuyến đường Đầm Hồng- Quốc lộ 1A có hướng tuyến, vị trí và quy mô của tuyến đường được định hướng trong các đồ án quy hoạch được cấp cóa thẩm quyền phê duyệt như Điều chỉnh Quy hoạch Tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 132-CT ngày 18/4/1992; Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 133/2001/QĐ-UB ngày 28/12/2001.

Người dân nghi ngờ pháp lý Dự án đường vành đai 2,5 Định Công, chính quyền nói gì? - 2
Công văn số 2370/UBND-ĐT ngày 16/5/2017 của UBND thành phố Hà Nội khẳng định hướng tuyến, vị trí, quy mô đường vành đai 2,5 Định Công từ năm 1992 đến nay không thay đổi.

Lại nói, hồ sơ chỉ giới đỏ tuyến đường Đầm Hồng- Giáp Bát- Lĩnh Nam tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 104/2002/QĐ-UB ngày 24/7/2002, được thống nhất hoàn toàn trong các đồ án quy hoạch triển khai tiếp theo như Quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai được UBND thành phố phê duyệt năm 2005, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.

Nội dung công văn số 2370/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định: “Như vậy hướng tuyến, vị trí và quy mô tuyết đường vành đai 2,5 được xác định thống nhất trong các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư liên quan trong suốt các thời kỳ từ năm 1992 đến nay, không có sự thay đổi”, trích nội dung công văn này.

Theo Đăng Trình (Thương Hiệu & Công Luận)