Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân nếu có những biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã phân tuyến chỉ đạo ở các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.
Cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các tuyến huyện - tuyến cơ sở đầu tiên và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.
Cho đến thời điểm này, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế đang cho thấy sự hợp lý và hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế đã công bố hàng loạt bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế tuyến huyện có khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến y tế cơ sở. Việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đánh giá việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị.
Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)