Sau khi một bệnh nhân ở Hải Dương bị tử vong về bệnh viêm não mô cầu, tiếp đến bệnh nhân viêm não mô cầu đầu tiên của Hà Nội cũng đã xuất hiện, đã khiến người dân rất lo lắng về dịch bệnh này.
|
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh viêm não mô cầu hiệu quả nhất hiện nay. |
Chiều 4-3, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho hay, từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh viêm não mô cầu và năm 2011 có số người mắc bệnh cao nhất với 272 ca nhiễm. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần. Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có một trường hợp tử vong. Số người mắc viêm não mô cầu không nhiều, nhưng là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong nhanh có thể trong vòng 24 giờ khởi bệnh, hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm.
Hiện nay tại các ổ dịch đều được Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân và thực hiện các biện pháp cần thiết để không để dịch có nguy cơ lan rộng. Tiêm chủng và chủ động phòng tránh được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo: Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân với việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine này được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Thanh Hằng (CAND Online)