Ngày 13/10, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Thành ủy khóa mới đã tham gia buổi họp báo thông tin kết quả đại hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, khi thành phố tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị, một số người đề nghị ngoài chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế nên chăng cần có thêm chỉ tiêu liên quan đến các vấn đề dân sinh.
Thành phố đã tiếp thu nên lần đầu tiên trong cáo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết (đã được thông qua tại đại hội) đặt mục tiêu khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho tất cả người dân thành phố.
"Nói thì đơn giản nhưng làm không dễ, thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu này", ông Huệ nói và cho hay ba năm qua thành phố đã triển khai chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người trên 40 tuổi và đã có hàng trăm nghìn người được khám sàng lọc bệnh miễn phí.
Một số cơ quan cũng đặt vấn đề tại sao Yên Bái có chỉ số hạnh phúc mà Hà Nội lại không xây dựng chỉ số phát triển con người. "Chúng tôi hỏi Tổng cục Thống kê và biết chỉ tiêu này chỉ tính cho quốc gia chứ chưa tính cho từng địa phương. Chúng tôi đề nghị Tổng cục Thống kê nếu sau này xây được được chỉ số phát triển con người cho từng địa phương thì thành phố sẽ áp dụng", ông Huệ nói.
Cũng liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bí thư Hà Nội cho biết theo điều tra dân số năm 2019, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội là 75,5, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009. Thành phố đặt mục tiêu đến 2025, tuổi thọ trung bình là 76-76,5, cao hơn cả nước 2 tuổi.
Vấn đề nước sạch, ông Huệ cho hay hiện 100% người dân đô thị và 78% người dân nông thôn đã sử dụng nước sạch. Nghị quyết Đại hội đặt mục tiêu 100% người dân được cung cấp nước sạch.
Với một số vấn đề bức xúc dân sinh, ông Huệ cho hay trong nghị quyết đại hội đã xác định nhiệm kỳ này phải tạo ra những chuyển biến cơ bản như an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí, ùn tắc giao thông...
Ông Huệ cho rằng, lãnh đạo thành phố rất cầu thị, nhưng với tốc độ đô thị hóa đặc biệt như Hà Nội trong khi hạ tầng không thể theo kịp làm nảy sinh nhiều vấn đề. "Cái quan trọng là có ý thức cầu thị và có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đó", ông Huệ nói và dẫn chứng về ô nhiễm không khí.
Hiện toàn thành phố mới có hơn 10 trạm quan trắc nên kết quả không phản ánh toàn cảnh hiện trạng. Phải có 67 trạm quan trắc thì mới đo được chất lượng không khí và cùng với đó chấm dứt hoạt động của bếp than tổ ong, chấm dứt việc đốt rơm rạ tràn lan.
Với các xe máy cũ, ông Huệ cho hay đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn khí thải. Xe máy, ôtô không đủ điều kiện lưu hành theo tiêu chuẩn phải thu. "Chúng ta phải giảm lượng xe máy dần dần. Cùng với đó, phải tăng ngay năng lực của giao thông công cộng, hiện mới được 19%. Những chuyện đó là quá trình bền bỉ, lâu dài và phải cương quyết làm", ông Huệ nói.
Nghị quyết đại hội đảng bộ Hà Nội khóa XVII nêu mục tiêu tổng quát:
Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)