Người dân cần làm gì với ‘sổ đỏ’ sau khi sáp nhập tỉnh, thành?

22/04/2025 06:05:41

Luật sư lưu ý: “Không có quy định nào bắt buộc đổi sổ đỏ chỉ vì thay đổi tên địa phương. Thông tin lan truyền yêu cầu đổi sổ hàng loạt là sai pháp luật, gây hoang mang và tốn kém không cần thiết”.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý.

Người dân băn khoăn những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, đặc biệt là sổ đỏ – loại giấy tờ liên quan đến tài sản có giá trị lớn.

Người dân cần làm gì với ‘sổ đỏ’ sau khi sáp nhập tỉnh, thành?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ảnh: A.T

Luật sư Mai Thảo (TAT Law Firm) khẳng định: “Việc thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ đỏ đã cấp vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không bắt buộc phải đổi lại nếu không có nhu cầu”.

Theo Khoản 2 Điều 133 Luật Đất đai 2024: “Trường hợp đăng ký biến động được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới, khi người sử dụng đất có nhu cầu. Riêng với trường hợp thay đổi địa danh hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp”.

Khoản 1 Điều 133 cũng quy định đăng ký biến động khi có thay đổi về: “...ranh giới, mốc giới, kích thước, diện tích, số hiệu và địa chỉ thửa đất...”.

Như vậy, khi địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, nếu người dân có nhu cầu cấp lại giấy chứng nhận theo thông tin mới cần đăng ký biến động. Tuy nhiên, đây là không bắt buộc và chỉ thực hiện khi người dân có nhu cầu.

Thông tư 10/2024/TT-BTNMT (ngày 31/7/2024) cũng hướng dẫn về mẫu giấy chứng nhận và việc cập nhật thông tin địa giới hành chính, nhưng không yêu cầu đổi sổ đỏ chỉ vì tên xã, tỉnh thay đổi...

Luật sư Thảo lưu ý: “Không có quy định nào bắt buộc đổi sổ đỏ chỉ vì thay đổi tên địa phương. Thông tin lan truyền yêu cầu đổi sổ hàng loạt là sai pháp luật, gây hoang mang và tốn kém không cần thiết”.

Dù không bắt buộc, người dân có thể cân nhắc cập nhật lại thông tin sổ đỏ trong các trường hợp sau: Khi thực hiện giao dịch đất đai (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…) và muốn đồng bộ địa chỉ với các giấy tờ khác.

Khi có thay đổi thông tin người sử dụng đất: họ tên, số CCCD, địa chỉ thường trú, tình trạng pháp lý thửa đất... Việc đổi sổ sẽ được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công. Lệ phí dao động từ 50.000 – 100.000 đồng tùy địa phương (không tính phí đo vẽ lại nếu không thay đổi diện tích).

Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, nếu người dân muốn cập nhật thông tin địa giới hành chính mới trên sổ đỏ, thủ tục như sau: Đơn đề nghị cập nhật thông tin; Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân.

Người dân nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã (theo cơ chế một cửa). Nhận thông báo, đóng lệ phí và nhận lại sổ đỏ đã cập nhật phần địa danh (nếu có). Việc cập nhật không làm thay đổi bản chất quyền sử dụng đất và không bị giới hạn thời gian thực hiện.

“Người dân nên bình tĩnh tiếp cận thông tin từ nguồn chính thống. Nếu không có nhu cầu chuyển nhượng hay giao dịch đất đai, không cần thiết phải đổi sổ đỏ. Các thay đổi về đơn vị hành chính đã được cơ quan Nhà nước cập nhật trên cơ sở dữ liệu điện tử, đảm bảo tính pháp lý khi cần” – Luật sư Mai Thảo thông tin.

Theo Tiến Dũng (VietNamNet)