Chú bê một tháng tuổi của ông Phạm Bảo đang chết dần vì bò mẹ không có sữa uống. Ảnh: Thiên Thiên |
Vẻ mặt buồn rầu, khắc khổ, ông Phạm Bảo (62 tuổi) trú tại thôn 13, xã Ea R’Ve nhìn chú bê con gần một tháng tuổi đang chết dần chết mòn vì bò mẹ không có sữa. Trong chuồng, hơn trăm con bò cũng gầy trơ xương, lờ đờ, bất động. Đã gần 2 tháng nay, 35 con bò ở nhiều độ tuổi khác nhau của ông lần lượt ra đi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chúng chết vì nguyên nhân duy nhất: khát và đói.
"Trại bò tôi có 200 con, được đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Từ đầu tháng 4 đến nay, cứ cách 5 ngày chết một con, có hôm hai con, chủ yếu ở độ tuổi từ một tháng đến trên 2 năm tuổi. Không biết, còn bao nhiêu con sẽ ra đi nữa đây", ông Bảo than thở.
Bò chết, ông Bảo và nhiều người dân trong xã tìm các thương lái bán với giá bèo bọt. Tuy nhiên, do tâm lý, thịt chết bán cũng không ai mua. "Nếu phát hiện sớm chỉ bán được 1-2 triệu đồng một con (giá thị trường hơn 10 triệu một con). Trường hợp chết buổi sáng, tối mới phát hiện chỉ biết đem đi chôn, cho cũng không ai lấy. Người dân ở đây đã 'ớn' với mùi thịt bò rồi", ông Bảo cho biết.
Ông Bảo cho biết, 10 năm trước, những cánh đồng ở huyện về mùa mưa bạt ngàn xanh biếc như thảo nguyên. Lợi dụng tiềm năng tự nhiên, ông cùng nhiều nông dân trong xã đã có nhiều mô hình chuyển đổi trong kinh tế nông nghiệp. Họ trồng điều, trồng mía, nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng vài năm gần đây, hạn hán khốc liệt khiến nông dân ở đây dở khóc dở cười, nợ nần chồng chất.
Bà Nông Thị Thời (43 tuổi) cho biết, gia đình được vay vốn 60 triệu nuôi bò trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhưng bò chết khiến kinh tế gia đình bà điêu đứng. "Nhà tôi có 13 con bò, nhưng chết mất 3 con. Chúng tôi chi tiền mua thức ăn ngoài để nuôi cầm chừng, chờ ông trời sớm ban mưa. Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi không biết lấy tiền đâu trả nợ", bà nói.
Theo người dân, việc bị đói khát khiến bò ăn bất cứ thứ gì, kể cả rác rưởi, đó là nguyên nhân khiến nó chết nhanh hơn. "Vỏ sắn là loại thức ăn cực độc. Tại các sân bãi của người dân, sắn sau khi được tách ra lấy ruột, vỏ sắn vứt lại. Khi đàn bò đi qua, trong cơn đói, nó ăn luôn vỏ sắn. Vài ngày sau là nó trướng bụng, lờ đờ và lăn ra chết", ông Bảo cho hay.
Để chống chọi lại với nạn thiếu thức ăn, nguồn nước… nhiều hộ dân đã đầu tư mua rơm rạ, chất đầy vườn, khoan giếng. Giá mỗi xe rơm cao gấp 3 lần so với năm trước, khoảng 1,8 triệu đồng một xe (năm 2015 chỉ 500-600 nghìn một xe). "Hai xe công nông rơm bò ăn trong một đêm, hôm sau phải mua mới. Năm trước giá rơm còn rẻ, còn giá bò thì cao. Nay thì ngược lại. Chúng tôi là nông dân chịu thiệt thòi trăm đường", ông Quý nói.
Cánh đồng chết khô, trâu bò không có thức ăn. Ảnh: Thiên Thiên |
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư huyện ủy Ea Súp cho biết, đến nay, toàn huyện có gần 300 con gia súc, gia cầm chết vì hạn hán. Riêng 2 xã Ea R’Ve và xã Ea Lốp có gần 200 trâu bò chết.
"Chúng tôi đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định được nguyên nhân trâu bò chết hàng loạt do bị đói kéo dài dẫn đến suy kiệt. Để chống chọi với thiên tai, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị xuống từng xã hướng dẫn bà con tìm nguồn thức ăn khác ngoài cỏ tự nhiên, di dời trâu, bò, gia súc ra khỏi khu vực nắng gay gắt", ông Giang nói.
Theo thống kê, đến nay ở Tây Nguyên đã có gần 100.000 hecta cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt hạn hán. Riêng tỉnh Đăk Lăk có hơn 48.000 hecta cây trồng bị hạn, hơn 26.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, ước tính thiệt hại khoảng trên 1.500 tỷ đồng.
Theo Thiên Thiên (VnExpress.net)