Từng nghe người chồng Nam Phi kể về việc thất lạc số tiền khoảng 6 triệu yen dành dụm được, bà Ngọt đến công an trình báo khi công an sắp giải quyết số tiền trong thùng loa cũ cho chị ve chai.
|
Bà Ngọt mô tả lại chiếc loa cũ của chồng giống với chiếc loa chứa hơn 5 triệu yên mà chị Hồng mua được. Ảnh: An Nhơn |
"Chồng tôi, ông Afolayan Caleb, có thể là chủ của số tiền trong chiếc thùng loa cũ mà chị Hồng mua được", bà Ngọt nói và vẽ lại chiếc loa cũ của chồng để chứng minh.
Ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) có vợ và ba con ở quê nhà nhưng đã ly hôn. Năm 2003-2005, ông đến Nhật dạy tiếng Anh. Năm 2009, ông đến Việt Nam du lịch và tiếp tục dạy tiếng Anh ở một số trường cấp 2, trung tâm ngoại ngữ. Thời gian này, bà Ngọt đang bán thuốc Tây ở quận Gò Vấp thì được người bạn giới thiệu với ông Afolayan Caleb. Năm 2012, sau khi kết hôn, bà dọn về sống với chồng ở Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn).
Tại căn nhà thuê này, bà thấy ông Caleb có ba chiếc loa, hai chiếc lớn và một chiếc nhỏ, nhưng không biết mua lúc nào. "Ông ấy nói với tôi đã để dành được khoảng 6 triệu yen trong thời gian làm việc ở Nhật nhưng không nhớ cất ở đâu, do có 3 lần chuyển nhà trọ từ quận 1 về Gò Vấp và Hóc Môn", bà kể.
Theo bà, mỗi khi làm ăn khó khăn hay kẹt tiền, ông Afolayan Caleb thường nhắc tới số tiền bị thất lạc. "Cuối năm 2012, do cần tiền để chữa trị khi đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ông ấy bảo tôi về lục trong các thùng, hộp, valy... tìm số tiền. Tôi tìm 2-3 ngày nhưng không thấy", bà Ngọt khẳng định.
Tới tháng 6/2013, ông Caleb về nước chăm người mẹ 86 tuổi bệnh nặng và ở bên đó đến nay. Ba tháng sau đó bà Ngọt dọn dẹp nhà, thấy ba chiếc loa thùng cũ đã hỏng. Vài người mua ve chai hỏi nhưng bà không bán mà cho anh họ Phạm Đức Hòa (52 tuổi) ở quận Bình Tân. Cách nay hơn một tháng, bà đọc báo nói về việc có 5 triệu yên trong thùng loa cũ mà vợ chồng chị ve chai mua được nên nhớ tới số tiền chồng từng nhắc đến.
Ông Hòa mô tả lại chiếc loa cũ từng bán ve chai. Ảnh: An Nhơn |
Sáng 28/4, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Hòa cho biết đã nhận 3 chiếc loa từ bà Ngọt hồi tháng 10/2013. Trong đó có một cái loa chính và hai loa phụ. "Chiếc loa chính có diện tích khoảng 30x40 cm, hai loa nhỏ khoảng 15x20 cm, màu sắc tôi không để ý", ông nhớ lại.
Theo ông, ngay khi chở về nhà trọ trong hẻm đường Hương Lộ 2 (quận Bình Tân, TP HCM), ông cắm điện nghe thử nhưng không được nên bỏ ở trước hiên nhà. Một tháng sau, vợ ông dọn nhà, bán dàn loa cũ cho người đàn ông mua phế liệu nhưng người này từ chối mua. "Sau đó vợ tôi bán các lon nước ngọt và kèm theo dàn loa cho một phụ nữ, được hơn 10.000 đồng. Chị mua ve chai bịt khẩu trang kín nên giờ có nhìn tôi cũng không nhận ra", ông Hòa cho biết.
Trong một năm qua vợ chồng ông Hòa thường xuyên nghe mọi người bàn tán về việc chị ve chai "trúng kho báu" nhưng không nghĩ đến thùng loa mình từng bán. Cách nay hơn một tháng, chị Ngọt gọi điện hỏi về chiếc loa cũ, ông mới nghi ngờ.
Theo luật sư Trần Giáng Hương - Văn phòng luật sư Tam Đa - bà Ngọt nhận số tiền 5 triệu yen là của chồng, thì chồng bà phải có nghĩa vụ đưa ra những chứng cứ chứng minh nguồn gốc sở hữu một cách hợp pháp. Nếu đây là tiền ông ta mang từ Nhật về, phải có những giấy tờ thể hiện số tiền đó được chuyển về Việt Nam như thế nào, cất giữ ra sao. Với lượng ngoại tệ lớn như vậy, theo quy định, khi chuyển về Việt Nam phải khai báo hải quan; nếu thông qua hệ thống ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng. Nếu ông ấy cho rằng tiền mang về nhiều lần, mỗi lần một ít (không phải khai báo) thì không có cơ sở để đòi lại số tiền. |