Người chế tác 'của quý khổng lồ' trong lễ hội Ná Nhèm: 'Tôi phải làm âm thầm, giấu cả làng không được tiết lộ cho ai'

02/03/2018 09:25:00

Chủ nhân chế tác ra "của quý khổng lồ" trong lễ hội Ná Nhèm 2018 cho biết, "tàng thinh" năm nay được mình ông chế tạo trong 7 ngày. Khi nhận công việc này, bản thân ông phải làm âm thầm, giấu tất cả những người dân trong xóm, không cho ai được biết.

Sáng 2/3 (tức 15 tháng Giêng Âm lịch), người dân từ khắp nơi đã đổ xô về dự lễ hội Ná Nhèm được tổ chức tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 

Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ", được phục dựng từ năm 2012 đến nay đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách thập phương. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). 

Người chế tác 'của quý khổng lồ' trong lễ hội Ná Nhèm: 'Tôi phải làm âm thầm, giấu cả làng không được tiết lộ cho ai'
"Tàng thinh" trong Lễ hội Ná Nhèm năm nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012 khi Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng đến nay, "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" có kích thước và người chạm khắc thay đổi qua mỗi năm. Lễ hội Ná Nhèm năm 2018, "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" do các cụ bô lão trong làng chạm khắc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Viêng (56 tuổi, thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên) cho biết, ông được các cụ bô lão trong làng lựa chọn và giao trách nhiệm làm "Tàng thinh". Để chuẩn bị cho lễ hội, vào khoảng tháng 9 Âm lịch năm 2017, ông đã phải đi lấy gỗ về để dành để đến gần lễ hội chạm khắc "Tàng thinh". 

Người chế tác 'của quý khổng lồ' trong lễ hội Ná Nhèm: 'Tôi phải làm âm thầm, giấu cả làng không được tiết lộ cho ai' - 1
Ông Viêng là người được các bô lão lựa chọn chế tác "tàng thinh" cho lễ hội năm nay.

"Tàng thinh không có mẫu cố định, tôi chỉ làm theo những mẫu ngày xưa đã làm. Các cụ bảo làm như ngày xưa, không làm phô trương quá, chỉ là tượng trưng thôi. Khi làm Tàng thinh, ông phải giấu mọi người, cứ âm thầm làm chứ không tiết lộ cho ai. Tôi làm không bị áp lực gì, không bị ai nói là phải giống thế này, giống thế kia mà đây làm giống ngày xưa. Tôi làm tranh thủ khoảng 7 ngày thì xong Tàng thinh. Tàng thinh năm nay được làm bằng gỗ dổi, có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg", ông Viềng chia sẻ. 

Người chế tác 'của quý khổng lồ' trong lễ hội Ná Nhèm: 'Tôi phải làm âm thầm, giấu cả làng không được tiết lộ cho ai' - 2
Tàng thinh năm nay được làm bằng gỗ dổi, có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg.

Ghi nhận của chúng tôi, hiện tại lễ hội Ná Nhèm đã được bắt đầu với nghi lễ đi lấy nước tiên. Nhiều người dân đã tìm về đây để dự lễ. Phía trong ngôi đình làng Mỏ (nơi diễn ra lễ hội), "tàng thinh" đã được đưa đến từ đêm qua. Sự xuất hiện của "của quý khổng lồ" đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân. Khoảng 1 giờ đồng hồ nữa, nghi lễ rước tàng thinh sẽ được bắt đầu. 

Lễ hội Ná Nhèm của người Tày được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ", được phục dựng được 5 năm nay, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội.

Năm 2015 lễ hội này chính thức được công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Tại đây, 6 chàng trai lực lưỡng trong làng sẽ được giao nhiệm vụ khiêng "tàng thinh" tượng trưng cho linh vật của đàn ông. Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở trong lễ hội xuân Ná Nhèm.

Theo Ngọc Thắng (Trí Thức Trẻ)