Người cầm vợt tennis đánh shipper có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự

25/07/2016 11:12:00

Liên quan đến vụ việc vì 30.000 đồng, người đàn ông cầm vợt tennis đánh shipper gãy mũi, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, người đánh shipper có thể sẽ bị xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

 
Liên quan đến vụ việc vì 30.000 đồng, người đàn ông cầm vợt tennis đánh shipper gãy mũi, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, người đánh shipper có thể sẽ bị xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Trước đó, chiều 22/7, anh Nguyễn Văn H. (35 tuổi, shipper trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao quần áo của một shop thời trang tới khách hàng tại khu chung cư Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

Khách hàng sau khi xem hàng không ưng ý đã không trả 30.000 đồng tiền phí vận chuyển cho anh H. Hai người có đôi co, sau đó khách hàng cầm chiếc vợt tennis đập túi bụi khiến anh H. bị gãy mũi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bưu điện.

Người cầm vợt tennis đánh shipper có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.
Người đàn ông bị gãy mũi sau khi bị khách hàng đánh. Ảnh: Facebook

Trao đổi với chúng tôi tại Bệnh viện Bưu điện sau khi phẫu thuật vì gãy xương mũi, anh H. vẫn chưa hết đau đớn. Anh cho biết, trước tình huống khách không chịu trả tiền công chuyển hàng, anh nói nếu khách xin 30.000 đồng tiền ship bản thân sẽ cho khách nhưng sau đó bị khách cầm gậy vụt tới tấp.

"Đến cái vụt thứ 4 thì chiếc vợt gãy làm đôi, anh này vẫn hùng hổ lao vào đấm tôi, may mà có người dân lao đến cứu", anh H. kể lại. Hiện anh H. đã gửi đơn trình báo công an phường Mai Động. Đơn vị này cũng cho biết đã tiếp nhận được đơn và đang làm rõ sự việc.

Theo anh H., ngày 23/7, vị khách hàng đánh anh chấn thương đã đến viện thăm hỏi và xin lỗi về hành động của mình. Tuy nhiên, hiện tại sức khỏe của anh chưa ổn định, để ít hôm nữa tinh thần ổn định anh mới nói chuyện.

Người cầm vợt tennis đánh shipper có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự - Ảnh 2.
Người được cho là đã đánh shipper. Ảnh: Facebook

Liên quan đến sự việc trên, về vấn đề pháp lý, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Hà Nội) cho biết, thông thường trong các trường hợp vận chuyển hàng, nếu khách hàng không lấy hàng vì lý do nào đó, đa số khách hàng vẫn trả tiền vận chuyển cho người vận chuyển (shipper) bởi lẽ dù thế nào đi nữa, shipper vẫn đã phải mất công sức đi lại, thậm chí là phải đi lại 2 lượt (1 lượt giao hàng cho khách và 1 lượt quay trở lại trả hàng cho người bán).

Theo luật sư Giang Thanh, trong trường hợp khách hàng không trả tiền vận chuyển cho shipper và còn đánh shipper xảy ra vừa qua, không loại trừ khả năng có thể từ phía shipper cũng có lời lẽ, thái độ, cử chỉ chưa chuẩn mực khiến khách hàng phản ứng mạnh. Tuy nhiên cho dù có đúng như vậy thì việc khách hàng đánh shipper gãy mũi vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.

"Nếu shipper (ở đây là anh Nguyễn Văn H.) trình báo công an về việc bị đánh và được cơ quan công an đưa đi giám định thương tật, tỷ lệ thương tật được kết luận từ 11% trở lên, người đánh anh H. có thể sẽ bị xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Người cầm vợt tennis đánh shipper có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự - Ảnh 3.
Anh chảy nước mắt khi nghĩ đến chuyện chỉ vì 30 nghìn đồng tiền ship mà bị đánh gãy mũi.

Trên quan điểm cá nhân, đối chiếu với quy định của pháp luật, trong trường hợp anh H. được xác định là tổn thương tháp mũi (gãy, sập xương sống mũi,vẹo vách ngăn) và bị ảnh hưởng đến thở và ngửi rõ rệt, tỷ lệ thương tật khi đó chắc chắn sẽ trên 11%", luật sư Giang Thanh nêu rõ.

Luật sư Giang Thanh cũng cho rằng, ngoài ra theo lời kể của anh H., khách hàng đã dùng vợt tennis đánh vào mặt khiến anh H. bị gãy mũi. Nếu đúng như vậy, kể cả tỷ lệ thương tật của anh H. được giám định là dưới 11%, người khách hàng đánh anh H. vẫn có thể bị xử lý về tội danh nói trên vì vợt tennis được coi là hung khí nguy hiểm.

Luật sư Giang Hồng Thanh cũng chia sẻ: "Nói chung nghề vận chuyển hàng là nghề lấy công làm lãi và gặp nhiều rủi ro. Hiện tượng không tìm được khách hàng hay khách hàng trốn tránh không lấy hàng không phải là trường hợp hiếm. Thậm chí shipper bị lừa cũng đã từng xảy ra. Khi đó shipper vừa mất cả công lẫn tiền mà không biết đòi lại ở đâu. Nghề vận chuyển thu nhập không cao nhưng trách nhiệm lại tương đối nặng nề. Vì vậy rất cần có sự tôn trọng đối với những người làm công việc này".
 

Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật