Lần đầu tiên nhìn thấy John McCain, ông Lê Trần Lụa đã muốn giết viên phi công Hải quân Mỹ rơi xuống hồ Trúc Bạch.
"Tôi cầm con dao trong tay, định lao đến đâm ông ấy. Nhưng mọi người gần đó đã ngăn tôi lại", ông Lụa nhớ lại.
Và bây giờ, qua hơn nửa thế kỷ sau lần đầu tiên và duy nhất tiếp xúc với một phi công Hải quân Mỹ, ông Lụa nghe tin ông McCain qua đời.
"Tôi rất buồn", ông Lụa nói khi biết tin về cái chết của cựu thù. "Tôi vẫn luôn muốn gặp lại ông ấy lần nữa kể từ sau sự kiện đó trong đời".
Giờ đây, sau hơn 50 năm, ông Lụa - một người đàn ông gầy gò, với mái tóc buộc đuôi ngựa lốm đốm bạc, đã có cháu nội. Ông 68 tuổi, kiếm sống bằng nghề viết sớ bên cạnh một ngôi chùa.
Ông nhấp một ngụm cà phê tại một quán cà phê ở Hà Nội khi nhớ lại buổi chiều lần đầu tiên ông phát hiện ra phi công John McCain.
Đó là ngày 26/10/1967. Trung úy John McCain, một phi công Hải quân Hoa Kỳ, đang thực hiện nhiệm vụ ném bom nhắm vào nhà máy điện ở Hà Nội thì chiếc Douglas A-4 Skyhawk của ông bị một tên lửa đất đối không bắn trúng. John McCain nhảy ra khỏi chiếc máy bay bị tấn công, sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Ngày hôm đó, Lụa, lúc ấy mới 17 tuổi, là thợ máy tại một nhà máy giấy. Ông đang trốn trong hầm trú ẩn thì thoáng thấy chiếc dù của McCain.
"Tôi ngay lập tức chạy vào bếp và lấy một con dao," ông Lụa nói. "Tôi nghĩ đây là một kẻ xâm lược đang cố gắng phá hủy nhà máy điện và thành phố của chúng tôi".
John McCain rơi xuống hồ Trúc Bạch, ở trung tâm Hà Nội. Ông Lụa ngay lập tức nhảy xuống hồ và bơi thẳng về phía tay phi công Mỹ.
"Tôi nắm lấy tóc ông ấy," ông Lụa nói. "Tôi không nói tiếng Anh, vì vậy tôi hét lên bằng tiếng Pháp "haut le mains!", có nghĩa là, "Giơ tay lên!", ông kể lại.
Đối với ông Lụa, việc bắt giữ một phi công đối phương là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất trong cuộc đời. Còn đối với John McCain, đó là khởi đầu của một thử thách là tù nhân chiến tranh kéo dài hơn 5 năm.
Một bia tưởng niệm nhỏ đã được dựng lên bên cạnh hồ Trúc Bạch để kỷ niệm sự kiện bắn hạ chiếc A-4 năm nào. Tuy nhiên, sau ngày McCain mất, nhiều người đã tới đây để đặt hoa tưởng niệm ông. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đặt một vòng hoa ở đó.
Sau khi bị bắt, John McCain được đưa đến Hỏa Lò, một nhà tù thuộc địa cũ từ thời Pháp thuộc, nơi các tù binh người Mỹ gọi là "Hilton Hà Nội". Ông đã ở trong nhà tù này 5 năm.
"Lần đầu tiên tôi gặp John McCain vào năm 1967," ông Trần Trọng Duyệt nói. "Ông ấy là một người đàn ông cứng rắn và mạnh mẽ. Ông ấy trung thành với tư tưởng của mình."
Từ năm 1968 đến năm 1973, ông Trần Trọng Duyệt là trại trưởng của nhà tù Hỏa Lò. Ở nhà tù hiện nay vẫn còn trưng bày những bức ảnh đen trắng của ông Duyệt đang áp giải các tù nhân Mỹ, ngay trước khi họ được thả vào mùa đông năm 1973 theo Hiệp ước Hòa bình Paris.
McCain là một trong số các tù nhân được trở về nhà vào thời điểm đó.
Giờ đã 85 tuổi, ông Duyệt bày tỏ lòng thương tiếc khi biết tin một cựu tù nhân của mình qua đời, một nhà lập pháp mà ông tín nhiệm với việc giúp tái lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. "Nếu tôi gặp ông ấy, tôi muốn chúc ông ấy khỏe mạnh như một người bạn tốt vẫn nói với nhau", ông nói.
"Anh có thể gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và vợ ông ấy không?", ông Duyệt nói với phóng viên CNN.
Thông điệp đó được nhắc lại bởi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và cựu đại sứ tại Washington Phạm Quang Vinh.
"Tôi đã bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc nhất đối với Thượng nghị sĩ John McCain - một người đàn ông, một chính khách vĩ đại và là một người bạn của Việt Nam", ông Vinh nói.
Năm 1995, McCain hoan nghênh quyết định của chính quyền Clinton về việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrik cho rằng, với tư cách là một người lính và sau đó là một người hòa giải, ông McCain đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển mối quan hệ gần gũi vô cùng hiện nay của hai quốc gia từng là thù địch.
"Thật kỳ diệu khi chứng kiến chặng đường mà chúng ta đã đi trong vòng vài thập kỷ qua, kinh qua cuộc chiến, qua trải nghiệm của Thượng nghị sĩ McCain, cho tới đây, ngày hôm nay, nơi chúng ta nói về một quan hệ đối tác và tình bạn, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói.
Theo Lan Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)