Việt - Mỹ: Hình mẫu từ cựu thù trở thành đối tác
Tại cuộc gặp, hai bên tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục đà quan hệ và thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác đã có trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường, mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, giảm thiểu các rào cản thương mại; tiếp tục ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là thực hiện các dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa; triển khai hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng 2015 và Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011.
Sáng nay, 13/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Mạnh Thắng) |
Ngoại trưởng John Kerry cho biết rất vui mừng được quay trở lại thăm Việt Nam; cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ là hình mẫu về việc hai nước cựu thù vượt qua quá khứ để xây dựng quan hệ bạn bè, đối tác; ghi nhận quan hệ hai nước trong 20 năm qua đã phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Ông cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 và cho rằng với nền tảng là khuôn khổ Đối tác toàn diện và các cơ chế hợp tác cụ thể, thực chất giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục đà hợp tác toàn diện, thực chất trong thời gian tới.
Mỹ luôn theo sát tình hình Biển Đông
Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ có lợi ích lâu dài tại Châu Á - Thái Bình Dương và tin rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với khu vực. Ngoại trưởng John Kerry cảm ơn lãnh đạo Việt Nam và khẳng định sẽ luôn là người bạn của đất nước và nhân dân Việt Nam.
Về các nội dung hợp tác, Ngoại trưởng John Kerry cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hơn nữa trong đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái; đẩy mạnh triển khai các dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.
Đồng thời, Ngoại trưởng John Kerry cho hay, trường Đại học Fulbright khi chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam để tham gia có hiệu quả hơn vào thị trường nhân lực toàn cầu.
Ngoại trưởng John Kerry tin rằng Chính quyền mới sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Mạnh Thắng) |
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Ngoại trưởng John Kerry bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường đoàn kết ASEAN, cũng như xây dựng các cơ chế do ASEAN chủ trì trong việc xây dựng cấu trúc khu vực trong thế kỷ 21, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ.
Liên quan tới tình hình Biển Đông, ông Kerry cho rằng, Mỹ luôn theo dõi sát những diễn biến tại khu vực này, khẳng định Mỹ nhất quán ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Cũng trong sáng nay, Ngoại trưởng John Kerry đã tới chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại việc Lãnh đạo Việt Nam đã có lời mời Tổng thống đắc cử Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và thăm chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định TPP đối với các nước thành viên, trong đó có Mỹ và hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực và đóng góp của Ngoại trưởng John Kerry trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ nhiều thập kỷ qua.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và có bài phát biểu về quan hệ Việt Nam- Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1966, ông Kerry đã tham gia chiến tranh Việt Nam trong vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong. Những năm tháng chiến tranh ấy, ông đã chứng kiến biết bao cảnh đổ máu đau thương vì quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry đã đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Đứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông có bài diễn thuyết, thẳng thắn tố cáo những hành vi sát nhân của binh lính Mỹ tại Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông cùng Thượng nghị sĩ John McCain-người cũng từng tham chiến ở Việt Nam-tích cực kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và năm 1994, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề nghị của hai ông. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ vào năm 1995. Từ trước khi làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã có những đóng góp tích cực cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và từng đến Việt Nam nhiều lần. Với tư cách Ngoại trưởng, gần như năm nào ông cũng đến thăm Việt Nam. |
Theo Nam Hằng (Dân Trí)