"Quan hệ hữu nghị của chúng ta không dựa trên một cá nhân, một tính cách, một đảng phái nào ở Mỹ. Mối quan hệ này lấy gốc rễ từ những lợi ích và những giá trị đồng thuận phát triển trong tương lai", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Nhắc đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Kerry nhìn nhận tương lai của hiệp định này vẫn còn bỏ ngỏ và ông hiểu những lo ngại về phát triển thương mại toàn cầu.
"Nhưng chủ nghĩa bảo hộ sẽ không thể thắng thế. Chúng ta luôn có nhu cầu buôn bán, trao đổi. Việc người Mỹ mất việc không phải do thương mại, mà đa phần là do công nghệ máy móc thay thế con người. Nước Mỹ, các quốc gia châu Âu, châu Á, Việt Nam sẽ phải cố gắng để TPP đem lại lợi ích cho nhiều người", ông nhắn nhủ.
John Kerry cũng khuyến khích người dân và Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi các giá trị mà TPP đại diện như: tiêu chuẩn cao hơn về lao động, môi trường, hợp tác kinh tế, chống tham nhũng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao ý định thư cho trường Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Bàn đến các nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại khu vực sông MeKong, Ngoại trưởng Mỹ (cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam) cho biết sẽ thăm Cà Mau. Theo kế hoạch, ông sẽ thảo luận với giới chuyên gia địa phương về những vấn đề môi trường đang ảnh hưởng đến khu vực; cách 2 nước có thể bắt tay phát triển năng lượng thay thế, cơ sở hạ tầng bền vững, quản lý nước và nguồn lực sinh thái...
"Hàng thập kỷ trước khi đi tàu tuần tiêu trên sông MeKong, tôi không ngờ sẽ có ngày mình trở lại đây và cứu dòng sông này", ông cho hay.
Về vấn đề Biển Đông, ông John Kerry khẳng định nước Mỹ vẫn nhất quán ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đối thoại và tiến trình pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc đến Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) - đại học tư thục phi lợi nhuận - với hy vọng sẽ đem nền giáo dục chất lượng thế giới đến với thế hệ tương lai của Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Việt Nam cuối cùng của Ngoại trưởng John Kerry trên vai trò Ngoại trưởng Mỹ. Trước khi đến TP HCM, sáng nay ông gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại Hà Nội.
Người được chọn kế nhiệm ông là Rex Tillerson. Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1.
Theo Nhung Nguyễn (Zing.vn)