Nghịch lý dịch vụ bệnh viện công đắt hơn tư nhân

10/04/2015 09:30:06

Ở nhiều bệnh viện nhà nước, giá dịch vụ đắt hơn nhiều những bệnh viện tư trong khi bệnh nhân lại phải chờ đợi.

Ở nhiều bệnh viện nhà nước, giá dịch vụ đắt hơn nhiều những bệnh viện tư trong khi bệnh nhân lại phải chờ đợi.

Khi viện công đắt hơn viện tư

Sáng 9/4, chị Lan Anh sau khi khám cho cô con gái 18 tháng tuổi tại khu tự nguyện A, BV Nhi T.Ư đã quyết định ôm con sang BV khác điều trị. Lý do chị Lan Anh đưa ra, chi phí khám ở đây là 580 nghìn đồng/bệnh nhân, đắt hơn nhiều BV tư khác mà vẫn phải chờ đợi.

“Những lần trước tôi cho cháu vào BV HN, phí khám chỉ 200 nghìn đồng mà còn được miễn phí một bữa ăn, nước uống, lại không phải chờ đợi. Chả hiểu sao khu tự nguyện của BV Nhi T.Ư được hưởng hạ tầng của BV công, y bác sỹ ở đây được hưởng lương của Nhà nước rồi, mà giá dịch vụ cao hơn cả BV tư nhân - tự đầu tư mọi thứ như thế”, chị Lan Anh thắc mắc.
 

Nhiều người bệnh cho rằng cùng là khám dịch vụ, nhưng chất lượng phục vụ ở BV tư tốt hơn

Nhìn qua bảng giá dịch vụ ở BV Nhi T.Ư, giá nhiều dịch vụ cao hơn so với nhiều BV tư nhân khác. Cụ thể, ngoài chi phí khám 580 nghìn đồng/lần, khám thêm chuyên khoa là 195 nghìn đồng/lần, giá tiêm tĩnh mạch 97 nghìn đồng/mũi, truyền dịch 195 nghìn đồng/lần. Đặc biệt, trong khi tại BV Nhi T.Ư, giá giường điều trị rẻ nhất (dành cho bệnh nhân lưu dưới 24 giờ) là 600 nghìn đồng/ngày, cao nhất dành cho bệnh nhân hậu phẫu lần 1 tới hơn 4,1 triệu đồng/ngày thì tại BV HN chỉ 300 nghìn đồng/giường. Nếu nằm phòng riêng chỉ 1,16 triệu đồng/đêm.

Tại phòng khám dịch vụ 56 Hai Bà Trưng (Hà Nội) của BV Phụ sản T.Ư, bệnh nhân xếp hàng đông kín, phải chờ đợi không kém gì khám bảo hiểm theo tuyến, dù giá khám dịch vụ cao hơn: 200 nghìn đồng/người, siêu âm 4D là 250 nghìn đồng/người.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), do thu không đủ bù chi khi ngân sách Nhà nước rót về các BV, đặc biệt là các BV từ cấp thành phố đến cấp T.Ư, nên ngành Y cho phép thực hiện xã hội hóa hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh tại một số BV. “Nguồn thu từ hoạt động xã hội hóa này vừa nhằm tăng cường phục vụ bệnh nhân theo yêu cầu, lại vừa lấy đó là nguồn thu để bù chi, đảm bảo sự phát triển của BV”, ông Liên cho biết.

Cũng theo ông Liên, theo quy định hiện hành, giá của các loại dịch vụ xã hội hóa là do các BV tự quyết định trên cơ sở đảm bảo các chi phí bỏ ra. “Giá dịch vụ khám bệnh theo BHYT, khám chữa bệnh thông thường theo giá do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định theo nguyên tắc mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, chưa tính tiền lương, khấu hao, quản lý và đào tạo... Trong khi đó, dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện, các BV được tính đầy đủ các yếu tố chi phí cấu thành giá dịch vụ nên mức giá cao hơn giá khám chữa bệnh thông thường là đúng”, ông Liên cho hay.

Cổ phần hóa là cứu cánh

Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y dược TP HCM) cho biết, bán bớt BV cho tư nhân là điều nghe có vẻ là nghịch lý nhưng sẽ tốt hơn. Bởi khi đó, mới dễ dàng tái cơ cấu và tổ chức lại hoạt động của BV.

“Nhà nước chỉ nên giữ lại 20% các BV công để phục vụ công tác an dân, phục vụ những bệnh nhân nghèo, những đối tượng chính sách và những trường hợp bệnh khó điều trị. Các BV này hoạt động nhờ kinh phí của Nhà nước, BHYT cũng như nguồn đóng góp từ các hoạt động nhân đạo. Khi đó, kinh phí của Nhà nước thay vì dồn cho 100 BV thì nay chỉ phải lo cho 20 BV, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều, kể cả việc tăng thu nhập y, bác sỹ”, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Liên, hiện Chính phủ mới cho phép chủ trương cổ phần hóa các BV ngành, chưa chủ trương cổ phần hóa BV công. “Ngành GTVT là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương cổ phần hóa BV và việc thí điểm thành công của ngành GTVT sẽ là kinh nghiệm cho các đơn vị khác”, ông Liên nói.
 

"Khi giá viện phí được tính đủ chi phí theo lộ trình, thì lúc đó giá dịch vụ y tế (xét nghiệm, chiếu, chụp...) sẽ theo một mặt bằng, ngoại trừ hai dịch vụ giường bệnh và khám bệnh”.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)
 
Theo Bảo Chi (Báo Giao Thông)