Hoạt động đăng kiểm ô tô ra đời với mục tiêu cao nhất là hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông do phương tiện đã xuống cấp, quá thời hạn kiểm định hoặc cố tình thay đổi thiết kế gây mất an toàn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp ngăn chặn nhiều thiệt hại khác cho xã hội như việc xe độ còi gây tiếng ồn; độ đèn gây chói mắt; xả khói gây ô nhiễm không khí; độ tải trọng gây hư hỏng mặt đường…nhưng nhiều trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên đã không làm tròn trách nhiện, khi cố tình “nhắm mắt, làm ngơ, ăn tiền” để bỏ qua mọi cảnh báo.
“Vỡ trận” đăng kiểm sau Nghị định 139
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT gần đây, ông Nguyễn Vũ Hải-Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ khi bỏ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm khiến các đơn vị kiểm định gia tăng nhanh và cạnh tranh không lành mạnh, nhiều bất cập trong hoạt động kiểm định xe xuất hiện.
Cụ thể, số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước hiện nay là 280, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 trung tâm thuộc Sở GTVT các địa phương và 20 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Hà Nội là thành phố có nhiều trung tâm đăng kiểm nhất với 31 trung tâm, trong đó 6 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm, 2 đơn vị thuộc Sở GTVT, còn lại là các doanh nghiệp xã hội hóa. Xếp sau Hà Nội là TP.HCM với 19 trung tâm, Bình Dương 13 trung tâm, Thanh Hóa 9 trung tâm...Các địa phương nhỏ có khoảng 2-3 trung tâm.
Theo các chuyên gia giao thông, việc bỏ quy định về việc các đơn vị đăng kiểm xây dựng và thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm sau khi Nghị định số 139/2018 về cho phép xã hội hóa kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, một điều đáng lo ngại tại các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa là những đăng kiểm viên là người làm thuê cho ông chủ, là những tư nhân, do đó chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định.
“Anh làm thuê nên ông chủ bảo thế nào phải nghe thế, không nghe thì cho nghỉ việc ngay nên bắt buộc phải làm. Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn có nhiều hạn chế”, ông Liên nói.
Đồng quan điểm, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc phát triển quá nhanh các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa nảy sinh nhiều bất cập, cạnh tranh, tranh giành đăng kiểm viên giữa các bên. Vì có nhiều trung tâm đăng kiểm nên xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm tại đô thị lớn.
“Có nhiều trung tâm có hẳn một đội chuyên “cò mồi”, chèo kéo khách đưa xe đến khám với cam kết “làm luật” sẽ được bỏ qua các lỗi mà nếu theo đúng quy định thì không được kiểm định. Điều này rất nguy hiểm.
Thế nên mới có chuyện một ông đăng kiểm ở Long An làm cho đến 5 trung tâm. Kiểm định xe ô tô lưu thông, chở người, chở hàng hóa trên đường hàng ngày mà có kiểu quan niệm nhẹ nhàng như vậy thì quá nguy hiểm, ông không thể “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi thế được””, ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hoạt động kiểm định xe cơ giới là lĩnh vực có tính xã hội cao, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
“Các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó, mật độ xây dựng các trung tâm đăng kiểm tại khu vực đô thị rất cao, trong khi tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có ít xe hơn thì không có, hoặc rất ít đơn vị đăng kiểm được thành lập, việc kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa, tốn thời gian, chi phí…”, ông Thanh cho hay.
Cục Đăng kiểm “bó tay”, có phần lỗi của Bộ GTVT
Ông Nguyễn Vũ Hải-Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, sự gia tăng trung tâm đăng kiểm thời gian qua bắt nguồn từ việc bỏ quy định các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm, từ khi có Nghị định 139, năm 2018. Khi tăng nhanh các trung tâm đăng kiểm, nhất là do doanh nghiệp đầu tư, các trung tâm đã cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng.
"Một số nơi hoạt động sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong kiểm định xe", ông Hải cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, qua quá trình kiểm tra, giám sát, Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận có đơn vị hoạt động không hiệu quả, chủ doanh nghiệp tự quyết định ngừng hoạt động gây khó khăn cho lái xe, chủ xe tìm lại hồ sơ. Người lao động không được bố trí việc làm và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong theo dõi, quản lý các hồ sơ phương tiện.
Một doanh nghiệp đã thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe, sau đó luân chuyển nhân sự hoặc đăng kiểm viên của đơn vị này tham gia đầu tư thành lập đơn vị khác. Vì vậy, việc kiểm soát các điều kiện hoạt động khó khăn, không rõ trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ.
Thậm chí, có đăng kiểm viên không làm việc nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra.
“Để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê lao động mới, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa rất hạn chế. Đăng kiểm viên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định...”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, với những bất cập của hệ thống trung tâm đăng kiểm mà Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện và báo cáo nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý là do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước, trước tiên là Cục Đăng kiểm Việt Nam, của Bộ GTVT là rất rõ ràng.
“Những lỗi vi phạm trong kiểm định xe cơ giới thời gian qua cho thấy, việc kiểm tra, giám sát của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm đăng kiểm được cổ phần hóa. Việc hàng trăm cán bộ đăng kiểm bị bắt là hậu quả từ sự buông lỏng quản lý hoặc có tiêu cực, sai phạm trong hoạt động cấp phép thành lập, cũng như kiểm soát dịch vụ kiểm định và xử lý vi phạm”, ông Thanh thẳng thắn.
Chủ trương xã hội hóa, thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đăng kiểm hay các lĩnh vực kinh tế khác là điều phải khích lệ. Tuy nhiên, việc để cho xã hội hóa đăng kiểm phát triển quá “nóng” đã dẫn đến sự thiếu kiểm tra, giám sát và không có chế tài xử lý đã khiến ngành đăng kiểm phải trả giá quá nặng nề./.
Theo An Nhi-Phi Long (Vov.vn)