Từ tối 19/4, nhiều diễn đàn phản ánh về việc một số trường THCS ở Hà Nội vận động, thậm chí yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực kém phải chuyển sang trường tư, trường nghề hoặc cam kết không thi vào lớp 10 công lập. Thông tin được đưa ra vào thời điểm các trường THCS đang tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp trước kỳ thi vào lớp 10, được tổ chức giữa tháng 6.
Thông tin này khiến nhiều người cho rằng, giáo viên và nhà trường có thể đang gặp áp lực về thành tích.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) khẳng định, nhà trường không hề tổ chức họp với phụ huynh, học sinh có học lực yếu, kém trao đổi về việc chuyển trường hay không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10.
“Thông tin lan truyền trên mạng xã hội chúng tôi có biết và Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn báo cáo. Theo yêu cầu chung, nhà trường cũng đã gửi báo cáo. Chúng tôi không hề có động thái ép buộc học sinh yếu, kém chuyển trường hay không cho các em dự thi vào lớp 10”, bà Hảo nói.
Theo bà Hảo, từ trước đến nay, số học sinh lớp 9 xin chuyển trường đều phải là gia đình tự nguyện. Mọi thủ tục chuyển đi của học sinh đều được nhà trường thực hiện đúng theo quy định.
“Việc này nhà trường phải báo cáo với Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy từng trường hợp chứ không phải trường thích yêu cầu chuyển học sinh là chuyển”, bà Hảo thông tin.
Theo bà Hảo, những học sinh chuyển đi có nhiều lý do khác nhau, trong số đó có vài học sinh có kết quả học tập rất thấp qua những bài kiểm tra thường xuyên trực tiếp tại trường. Bản thân gia đình của những học sinh này đều nhận thấy nguy cơ con không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS và tự nguyện xin chuyển ra các trường khác để con có cơ hội học tập phù hợp với năng lực.
Liên quan đến thông tin phụ huynh tố Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ép học sinh có năng lực yếu, kém chuyển trường và ký cam kết không tham gia kỳ thi tuyển lớp 10, bà Lê Thị Thuý Nga - Hiệu trưởng nhà Trường đã có thông tin với PV Tiền Phong.
Cũng theo bà Nga, đến nay sự việc mới chỉ xôn xao trên mạng xã hội, còn phía nhà trường chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ phía phụ huynh học sinh.
Trên thực tế, năm học 2021-2022 học sinh học trực tuyến kéo dài. Khi các em đi học trở lại, trường đã tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng để nắm bắt tình hình. Kết quả cho thấy, chất lượng một số học sinh không được như học trực tiếp. Do đó, giáo viên các lớp có mời, gặp gỡ 42 lượt phụ huynh để trao đổi giải pháp, tìm nguyên nhân để giúp học sinh học tốt hơn. Trong 42 học sinh đó, không phải tất cả các em đều có kết quả yếu kém, trung bình mà có cả những em sa sút hơn trong thời gian học trực tuyến. "Thời điểm này đang giữa học kỳ II, học sinh còn có thời gian để học tập, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Do đó thông tin, giáo viên tư vấn cho học sinh không thi vào lớp 10 ngay cả học sinh có học lực khá là không đúng", bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, sau khi có thông tin về sự việc, sáng nay UBND quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT đã đến làm việc với nhà trường, kiểm tra sổ chuyển đến, chuyển đi của học sinh; biên bản các cuộc gặp giữa giáo viên và phụ huynh. Nhà trường cũng đã khẳng định với cơ quan quản lý không có sự việc đó xảy ra ở trường.
Về học sinh chuyển trường, từ học kỳ II đến nay chỉ có 4 em chuyển trường về Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La và 1 em chuyển ra trường tư. Trong 4 học sinh chuyển trường, có 1 em học lực giỏi, 2 em học lực khá, 1 em trung bình chuyển trường theo nguyện vọng của phụ huynh.
"Nhà trường đã đề nghị UBND quận, Phòng GD&ĐT có giải pháp, xác minh thông tin lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến trường và ngành nói chung. Phía giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường rất hoang mang khi có những thông tin như vậy", hiệu trưởng trường này nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên, gửi báo cáo trước chiều 21/4.
Sáng 20/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hai trường THCS được đề cập trên các diễn đàn là Nghĩa Tân và Dịch Vọng. "Phòng đã gọi điện để xác minh một số phụ huynh, kết quả đều khẳng định không có sự việc trường ép buộc chuyển trường", báo cáo của Phòng gửi Sở nêu, đồng thời khẳng định "trường không có chủ trương yêu cầu học sinh học lực không tốt phải chuyển trường hay không thi lớp 10 THPT".
Nhằm giúp đỡ học sinh có học lực trung bình và yếu, hai trường THCS Nghĩa Tân, Dịch Vọng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp trao đổi với phụ huynh thường xuyên. Trong năm học, số phụ huynh được trao đổi là 21 người/16 lớp (trường Nghĩa Tân) và 42 người/12 lớp (trường Dịch Vọng). "Nội dung các buổi trao đổi là về tình hình học của các em và đề nghị các biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, không bắt các em chuyển trường hay không thi cấp ba", báo cáo nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu mọi trường THCS chấm dứt việc vận động học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 THPT. "Việc học và đăng ký tuyển sinh là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ. Công tác phân luồng sau cấp THCS phải được định hướng cho học sinh rõ ràng, để các em đưa ra lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc", Sở cho biết.
Sau bậc THCS, học sinh có hai lựa chọn: tiếp tục con đường học vấn, vào các trường THPT hoặc theo hướng học nghề. Năm nay, khoảng 129.000 học sinh được xét tốt nghiệp THCS. hơn 104.000 em trong số đó đăng ký xét tuyển vào THPT (với 77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 chỉ tiêu tư thục). 25.000 em còn lại sẽ học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
NT (Nguoiduatin.vn)