Nghỉ Tết 10 ngày, không dài!
Bạn Nguyễn Đình Nam (Bình Dương) cho rằng, quy định nghỉ Tết của Bộ LĐ-TB&XH dù chỉ dành cho công chức, viên chức nhưng sức ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều tầng lớp trong xã hội.
“Chuyện đi tàu xe là một thách thức lớn. Các bạn hãy đặt mình vào vị trí công nhân ngoài Bắc vào Nam làm việc như chúng tôi, sẽ thấy vì sao nên ủng hộ lịch nghỉ 10 ngày. Chỉ riêng thời gian chờ đợi mua vé và đi tàu xe ra Bắc vào Nam đã mất từ 2 tới 3 ngày. Sau đó còn chuẩn bị tết, thăm họ hàng… Thời gian nghỉ 9 hay 10 ngày không dài” - bạn Nguyễn Đình Nam nhận định.
Đề xuất phương án nghỉ 10 ngày của Bộ LĐ-TB&XH (Đồ họa: Vũ Toản) |
Nghỉ hoán đổi chứ có “ăn bớt” ngày làm việc nào đâu! Bạn Phạm Hoài Phương (Nam Định) đánh giá: Nội dung của 1 trong 2 đề xuất đã nêu rõ là nghỉ bù vào ngày thứ 6 (3/2/2017), hoán đổi đi làm vào thứ 7 (11/2/2017). “Điều này có thể chấp nhận được. Người lao động sẽ có thêm thời gian di chuyển, cân đối các việc gia đình và giảm áp lực tàu xe sau Tết”.
Có lẽ chia sẻ kinh nghiệm bản thân, bạn Cao Trần Nguyên (Bắc Ninh) viết: Nghỉ mấy ngày Tết, đi làm lại được 1 ngày (Thứ 6 - Mùng 7 Tết) rồi lại nghỉ tiếp thứ 7, chủ Nhật là điều chưa hợp lý. “Ai cần làm thủ tục hành chính trong những ngày cận tết và sau tết sẽ thấy rõ điều đó”.
Đồng quan điểm trên, nhưng bạn Hoàng Trọng Thức (Hà Nội) đặt vấn đề từ góc nhìn khác:“Nghỉ dài ngày là điều kiện kích cầu mua sắm. Người dân có điều kiện đi du lịch trong và ngoài nước, sử dụng các dịch vụ. Dù là dịp nghỉ Tết nhưng lại giúp việc bán hàng, dịch vụ phát triển mạnh”.
Dựa vào yếu tố truyền thống văn hóa, bạn Mai Lan (Hà Nội) cho rằng: 10 ngày nghỉ Tết là thời gian quý báu để con cháu được ôn lại truyền thống gia đình và dòng họ. “Tết là thời khắc thiêng liêng, mang đậm truyền thống dân tộc. Nếu ai hiểu ý nghĩa của những ngày tết đoàn viên, nên dành thời gian cho người thân và gia đình. Lúc đó, dù 9 hay 10 ngày nghỉ cũng không hề lãng phí sau 1 năm lao động vất vả”.
Chỉ cần 7 ngày nghỉ là đủ!
Trong khi đó, nhiều quan điểm lại cho rằng thời gian nghỉ Tết âm lịch 2017 nên dừng lại ở con số 7 ngày.
Có lẽ là chủ một doanh nghiệp, bạn Đắc Hoài (TP HCM) cho rằng: “Thời gian nghỉ lễ, tết đã được quy định trong Bộ Luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH cần thực hiện theo luật. Nghỉ nhiều ngày sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, xã hội thiếu hụt sản phẩm”.
Đề xuất phương án nghỉ 7 ngày của Bộ LĐ-TB&XH (Đồ họa: Vũ Toản) |
Bạn Đắc Hoài giải thích thêm, dù quy định lịch nghỉ không dành cho người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân hay có vốn FDI, nhưng tâm lý chung của người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, chưa kể tới tác động tình cảm với người thân và gia đình. “Doanh nghiệp dù muốn tổ chức làm việc cũng khó, đành phải dựa theo lịch nghỉ trên”.
Đồng quan điểm trên, bạn Lê Trịnh Đức (Huế) cho rằng: Nhiều doanh nghiệp vốn ít, công nghệ lạc hậu, năng xuất lao động thấp. Nhân công nghỉ thêm ngày nào là lao đao ngày đó. Sau Tết, doanh nghiệp tìm “mỏi mắt” công nhân. Năm nào cũng vậy, chẳng lẽ lại giữ một phần lương công nhân để giữ người
Có lẽ là một bà mẹ nuôi con nhỏ, bạn Hoài Vân (Hà Nội) chia sẻ: “Nghỉ dài ngày, một số người lao động ở quê dễ có tâm lý ham đi hội hè, đình đám. Tôi lo nhất là chuyện phải tìm ôsin mới sau Tết”.
Ở góc độ hội nhập, bạn Phan Đình Trọng (Đà Nẵng) viết: Việt Nam đã tham gia khối AEC và Hiệp định TPP, chúng ta cần chủ động hòa nhịp ngay trong quan điểm làm việc và nghỉ ngơi. “Những ngày chúng ta nghỉ Tết, khách hàng Châu Âu, Châu Mỹ vẫn làm việc. Đơn hàng vẫn chạy đều đều. Nếu sơ sẩy là mất khách như chơi. Ở Châu Á, Nhật Bản đã chuyển sang ăn Tết theo dương lịch rồi”.
Bạn Nguyễn Đình Hùng (TP HCM) chia sẻ câu chuyện của dịp Tết năm trước. “Ông sếp người Châu âu của tôi cho rằng ngày nghỉ Tết của Việt Nam theo Luật lao động là 5 ngày. Do vậy, chuyện có thêm ngày nghỉ kéo dài thực sự là ái ngại cho tôi. Những ngày nghỉ Tết kéo dài, sếp vẫn làm việc bình thường ở công ty. Khi cần hỏi gì, sếp lại gọi điện thoại hoặc email. Tôi dù đang đi chơi vẫn phải trả lời”.
Lo ngại tới tình trạng tai nạn giao thông gia tăng một phần vì lý do nghỉ nhiều ngày, bạn Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) dẫn chứng: Sau 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân 2016, cả nước xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người, bị thương 380 người. Dù có giảm so với năm 2015 nhưng vẫn là con số đáng sợ.
Cho rằng chỉ nên nghỉ Tết 7 ngày, bạn Trương Kim Nhung (Nghệ An) viết: Đành rằng việc uống rượu bia là do cá nhân, nhưng nghỉ tết dài ngày cũng là điều kiện để nhiều người lợi dụng. Nhiều nơi sau tết phải mất từ 7-10 ngày mới vào guồng làm việc do tâm lý bê trễ, chưa kể nhiều biến tướng lợi dụng đi lễ hội liên miên.
Nhiều ý kiến khác về nghỉ Tết âm lịch 2017. - Đề nghị cơ quan chức năng bố trí số ngày nghỉ trước Tết nhiều hơn số ngày nghỉ sau Tết. Có thể nghỉ từ ngày 26, 27 tháng Chạp để người dân có thời gian dọn dẹp mua sắm, đi lại. (Bạn đọc Quốc Quân - Thanh Hóa). - Tết dễ dẫn tới tình trạng các nhà xe tự ý tăng giá vé, nhồi nhét khách. Tình trạng ùn ứ kéo dài tại khu vực cửa ngõ TP Hà Nội, TP HCM diễn ra trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết vì mật độ phương tiện tăng cao. (Bạn đọc Hoàng Lam - TPHCM). - Cần đảm bảo giá cả hàng hóa dịp Tết không tăng. (Bạn đọc Nguyễn Văn Minh - Hà Nam). - Sắp Tết rồi, không biết mức thưởng năm nay ra sao đây. (Bạn đọc Trịnh Văn Quyết - Tuyên Quang). - Cứ mỗi lần đến tết lại lo mua sắm ăn uống, quà tặng. Nghĩ tới Tết chỉ sợ lạm dụng chuyện ăn uống nhiều, tốn tiền, hại sức khỏe. (Bạn đọc Dương Minh - Thái Nguyên). |
Theo Hoàng Mạnh (Dân Trí)