Hà Nội: Nhóm người vô gia cư
Trên facebook cũng đăng tải một số clip về một nhóm từ thiện trực tiếp đứng ra cảnh báo người dân về thực trạng này. Vậy thực hư ra sao?
"Đây, mình cảnh báo mọi người là có tình trạng giả mạo người vô gia cư ở công viên Thống Nhất nhé... Này em nói gì cũng phải chuẩn nhé. Em có bằng chứng gì không? Hay là người khác mạo danh xong em bảo mẹ con chị là mạo danh?..."
Đó là một phần cuộc đối thoại giữa anh Minh Quân, đại diện tổ chức Từ thiện Đêm với hơn 9 năm làm thiện nguyện và người phụ nữ được cho người vô gia cư tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
Trong clip, chị này dường như là mẹ của một đứa trẻ chừng 8, 9 tuổi; 2 mẹ con tỏ ra bực tức khi có một nhóm người đến cạnh họ và kêu gọi mọi người cảnh giác trước việc mạo danh người vô gia cư để lừa gạt xin tiền.
Trao đổi với PV, anh Quân lý giải về hành động của mình: "2 mẹ con nhà này, nhóm mình đã theo dõi rất lâu rồi. Nhóm mình làm từ thiện 9 năm nay, họ được cho rất nhiều đồ ăn, quần áo... cái gì đẹp thì họ giữ, còn lại là vứt luôn ở gốc cây rất lãng phí. Họ còn đem đi bán ở hầm Kim Liên... còn như mình biết là mẹ con nhà này được tổ chức Rồng xanh hỗ trợ rồi, nhưng chị ấy không cho cháu đi học, vẫn ra đây...".
Vẫn cần thêm thời gian và căn cứ để cơ quan chức năng xác định rằng, có hay không biểu hiện lừa đảo, mạo danh người vô gia cư để trục lợi của trường hợp 2 mẹ con nêu trên, cũng như các trường hợp khác tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là dịp cuối năm có nhiều đơn vị triển khai làm từ thiện.
Nhưng những cảnh báo của anh Quân không phải không có căn cứ, đặc biệt là cách tiếp nhận và xử lý đồ được cho, tặng của người phụ nữ khó khăn kia là khá phản cảm.
Trao đổi với PV về quan điểm và cách làm từ thiện sao cho đúng người, đúng việc, mang tính bền vững, có lợi cho người có hoàn cảnh khó khăn, anh Đỗ Duy Vị, Đồng giám đốc tổ chức trẻ em Rồng Anh (Blue Dragon) cho biết: "Mình nghĩ làm từ thiện thì đều tốt thôi. Nhưng quan trọng mình làm gì cho người ta. Mình cho đồ ăn cũng được nhưng mai ngày kia họ vẫn sẽ ở đó thôi, vẫn đi lang thang. Quan trọng là mình tư duy xem có thể làm gì giúp họ lâu dài, chỗ ở, công việc, đại khái là thay đổi cái tư duy nhận thức của người khó khăn, có lẽ sẽ bền vững hơn. Và đôi khi cũng cần nhìn nhận lại là mình làm từ thiện cho họ cho hay mình, làm vì xã hội hay chỉ vì cho bản thân cảm thấy mình làm cái gì đó".
Câu chuyện giúp đỡ người lang thang, vô gia cư tại các đô thị lớn không phải chuyện mới và cũng có không ít quan điểm xoay quanh vấn đề này. PV đã liên lạc, trao đổi qua điện thoại với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH.
Theo ông Nam, trước mắt vẫn cần chờ sự vào cuộc và kết luận của cơ quan chức năng như công an phường, Cục Trẻ em mong muốn lực lượng công an sớm rà soát, xác định rõ đâu là người vô gia cư, khó khăn thật sự, và ai là đối tượng lừa đảo, trục lợi.
Về phía em nhỏ trong clip, đó vẫn là trẻ em, là đối tượng đặc biệt, Cục trưởng Cục Trẻ em kêu gọi người dùng mạng xã hội hạn chế chia sẻ clip rõ mặt, tránh bình luận tiêu cực nhắm vào em nhỏ này vì dù sao đây cũng chỉ là nạn nhân, là công cụ (nếu sự thật là vậy) của người lớn.
Trở lại với chủ nhân clip đang thu hút sự quan tâm của dư luận, anh Minh Quân kêu gọi mọi người cần cảnh giác, tránh để lòng tốt đặt sai chỗ sẽ rất thiệt thòi cho các hoàn cảnh khó khăn thật sự: "Mình kêu gọi mọi người hãy tìm hiểu kỹ các trường hợp mà định giúp đỡ, nếu không sẽ rất dễ tiếp tay cho các đối tượng xấu".
Tình trạng người vô gia cư xin tiền, đi lang thang nhờ hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội, Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh. Nếu có bất cứ thông tin nào liên quan đến trẻ em cơ nhỡ, lang thang ăn xin hoặc có tham gia lao động trẻ em bất hợp pháp... hãy liên hệ đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cục Trẻ em.
Theo Xuân Tú (VOV.vn)