Tiêu chuẩn “siêu sao”
Ngày 11/4, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo quy định về tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Hệ đào tạo này đặc biệt thu hút sư quan tâm của các phụ huynh thủ đô, nhất là năm nay xuất hiện thay đổi mới: Các trường có thể thi tuyển, thay vì xét tuyển như vài năm trước đó.
Theo thông báo, trường sẽ tuyển sinh kết hợp giữa sơ tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực.
Học sinh muốn vào trường sẽ phải làm 3 bài kiểm tra. Nhưng trước đó phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển ngặt nghèo.
Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn Toán, Tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9; còn lại là điểm 10.
Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Tính ra, mỗi môn phải đạt điểm 10.
Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của 4 bài kiểm tra các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.
Ngoài các tiêu chuẩn về 3 môn trên, học bạ của thí sinh các năm từ lớp 3 phải đạt “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Bên cạnh mức điểm học bạ, thí sinh sẽ có thêm điểm ưu tiên từ 0,5-1,5 điểm khi là con em thương binh, liệt sĩ, dân tộc thiểu số....
Các kết quả của những cuộc thi trong thời gian học tiểu học không được xem xét ưu tiên.
Những thí sinh có điểm sơ tuyển từ 139 trở lên sẽ tham gia vòng 2 với 3 môn kiểm tra đánh giá năng lực: môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mỗi môn làm bài trong thời gian 45 phút, điểm tính theo thang điểm 10, điểm lẻ được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Nỗi lòng cha mẹ
Thông tin đưa ra trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ 10/3 khiến các phụ huynh không khỏi bàn tán xôn xao.
Trước đó, hệ lớp 6 của trường từng tổ chức thi tuyển khá ngặt nghèo, không ít học sinh có nguyện vọng thường phải tham gia các lớp luyện thi từ năm lớp 2.
Cách đây 4 năm, khi có lệnh "cấm" thi tuyển đầu cấp THCS, hệ lớp 6 của trường này và một số trường “nóng” khác ở Hà Nội quay sang tuyển sinh theo xét tuyển. Khi đó, ngoài kết quả học tập của 5 năm tiểu học, các trường đã xét thêm nhiều tiêu chí như: Thành tích của các cuộc thi về kiến thức, thể thao, nghệ thuật...của thí sinh. Nhiều trường sau một mùa tuyển sinh đã phàn nàn rằng cách xét tuyển khiến họ lúng túng khi quá nhiều hồ sơ của thí sinh từa tựa nhau... Rục rịch vài năm thì lệnh "cấm" thi được bãi bỏ, mở đường cho hình thức tuyển sinh "theo bài kiểm tra đánh giá năng lực".
Mặc dù là thời gian nghỉ lễ, nhưng không ít phụ huynh có con sắp vào lớp 6 đã bàn tán xôn xao về quy định mới này.
“Con em đã trượt từ vòng công văn rồi” – một phụ huynh dí dỏm.
“Nhà tớ kính nhi viễn chi, tớ nghe còn chả hiểu điểm này nghĩa là sao…”, một phụ huynh xác định rõ không cho con theo đường đua “trường chuyên lớp chọn” ngay từ đầu, thong thả bình luận.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự ngậm ngùi vì con chỉ thiếu một chút so với tiêu chuẩn sơ tuyển. Chẳng hạn, điểm các bài thi lại duy nhất lọt 1 điểm 8, dù trong 5 năm tiểu học, con mình tham gia khá nhiều kỳ thi kiến thức toán, tiếng Anh và có giải thưởng tốt. Hoặc có trường hợp con đủ cả điểm 140, nhưng học bạ của 3 năm từ lớp 3 đến 5 lại có năm chỉ ở mức “hoàn thành vượt trội” chứ chưa đến “xuất sắc”.
Nhiều người bày tỏ sự “tiếc cho các con có tố chất thực sự, có năng khiếu nhưng không may bị 2 điểm 9” và thắc mắc: Khi đã tuyển sinh bằng cả 3 bài kiểm tra năng lực rồi, tại sao không “nới” thêm phần sơ tuyển để cơ hội tham gia của học sinh được nhiều hơn.
Các phụ huynh cũng khuyên bảo nhau “xu thế càng ngày càng có nhiều trường tốt, mang đến nhiều lựa chọn chứ không nhất thiết phải vào bằng được cấp 2 trường Ams”. Khuyên nhau là vậy, nhưng những người có con năm nay đang tìm cơ hội vào lớp 6 vẫn tiếp tục lo lắng, vì "những trường khác đặt ra điều kiện tương tự thì sao?".
Có con đang ở độ tuổi tiểu học, chị Hoàng Vân ở quận Đống Đa xác định “nguyện không nhảy vào cuộc chơi dồn áp lực lên con trẻ, với những đòi hỏi hoàn hảo không tì vết”.
Thậm chí, nhìn vào những tiêu chí tuyển sinh "siêu sao" này, một lần nữa không ít người lắc đầu không đồng tình với chính sách "khuyến ảo", thúc đẩy học sinh lao vào con đường ôn luyện, thi cử sớm từ tấm bé.
“Tại sao lại cứ phải Ams nhỉ? Nếu muốn các con mà giỏi và có nhân cách tốt, có ích cho cuộc sống về sau này thì thiếu gì môi trường để rèn luyện, và quan trọng là lý tưởng trong cuộc sống của phụ huynh chúng ta là như thế nào?” – một phụ huynh nêu vấn đề trên diễn đàn cha mẹ đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh.
Theo Song Nguyên (VietNamNet)