Sau khi trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Việt Phương – Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiêm Thư ký Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã trực tiếp liên hệ qua điện thoại với PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật – Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Kiến trúc Hà Nội). Tuy nhiên, ông Thuật nói là cần phải kiểm tra lại thông tin vì thời gian bị can Trịnh Xuân Thanh theo học tại ĐH Kiến trúc cũng đã trôi qua khá lâu và hẹn sẽ cung cấp thông tin sau.
Tuy vậy, sau đó, PV đã nhiều lần gọi lại cho ông Đỗ Việt Phương nhưng ông này tìm mọi lý do để thoái thác trả lời. Tới ngày 26.9, ông Phương mới báo cáo vụ việc này cho PGS.TS.KTS Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sau đó, ông Phương thông báo lại cho PV là Hiệu trưởng Lê Quân đã giao cho ông Phạm Trọng Thuật – Trưởng phòng Đào tạo trả lời các thông tin liên quan tới vấn đề quy trình cấp bằng Đại học chính quy cho bị can Trịnh Xuân Thanh.
Chiều ngày 26.9, khi chúng tôi gọi lại cho ông Thuật thì ông Thuật nói đang trên đường ra sân bay, đi công tác với hiệu trưởng và đồng ý phương án trả lời qua email theo nội dung câu hỏi mà chúng tôi đã gửi từ ngày 20.9 cho Phòng tổng hợp.
Nhưng đến ngày 28.9, vẫn chưa thấy email trả lời của ông Thuật như đã hứa, PV gọi lại thì ông Thuật lại viện lý do để từ chối. “Việc này tôi báo cáo lại hiệu trưởng thì Hiệu trưởng nói việc phát ngôn phải thông qua Bộ Xây dựng, cơ quan chủ quản của nhà trường”, ông Thuật nói.
Thật khó hiểu khi một sự việc liên quan tới cựu sinh viên của trường mình, nhưng không hiểu sao lãnh đạo Đại học Kiến trúc lại phải đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin lên tận Bộ Xây dựng (?)
Trước đó, theo thông tin phản ánh của độc giả qua đường dây nóng, có một số vấn đề chưa rõ trong việc bị can Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng kỹ sư tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Cụ thể: Bị can Trịnh Xuân Thanh học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội ngành Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị giai đoạn từ năm 1985-1990, nhưng phải tới năm 2003 mới nhận bằng tốt nghiệp?
Năm 1999, bị can Trịnh Xuân Thanh thi lại môn tiếng Nga được 7 điểm. Liệu có phải Trịnh Xuân Thanh đi học là để trả nợ môn Nga văn bị nợ năm học cuối từ 1990 để làm tốt nghiệp Đại học Kiến trúc hay không? Có quy chế nào cho phép một sinh viên bảo lưu kết quả sau 9 năm?
Thực tế, trong giai đoạn từ 1985 – 1990, quy chế bảo lưu điểm của Bộ Giáo dục – Đạo tạo là không quá 2 năm. Nếu sau thời gian bảo lưu 2 năm này không trả được thì sinh viên sẽ bị đánh trượt Đại học.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao thời gian bảo lưu của bị can Trịnh Xuân Thanh ở Đại học Kiến trúc Hà Nội lại được kéo dài như vậy? Có sự ưu ái nào của lãnh đạo nhà trường thời gian đó có Trịnh Xuân Thanh hay không?
Dân Việt đã gửi công văn liên hệ với Bộ Xây dựng để xin cung cấp thông tin về vấn đề này để tiếp tục chuyển tải thông tin mới nhất tới độc giả.
Trước đó, như chúng tôi thông tin, tối ngày 16.9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với bị can này.
Từ hơn một tháng trước đó, ông Thanh xin nghỉ phép ra nước ngoài để trị bệnh gout. Tuy vậy, hết phép, ông Thanh không trở lại nhiệm sở, số điện thoại thường dùng mất liên lạc. Tỉnh uỷ Hậu Giang, nơi ông Thanh làm việc, không biết ông ở đâu.
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)