Những ngày gần đây, MXH xôn xao về những hình ảnh thân mật thái quá giữa thầy - trò trong một khóa học âm nhạc truyền thống tại Duyệt Thị Trang (Long Thành - Đồng Nai). Cụ thể, người thầy đang hứng nhiều chỉ trích chính là nghệ nhân Vĩnh Tuấn - ông có dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cháu đời thứ 4 của Tuy Lý Vương Miên Trinh (hiệu Vĩ Dã, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng).
Tuy nhiên, trước những ồn ào này, nghệ nhân đàn tranh nổi tiếng đã chia sẻ với Báo Tổ Quốc rằng mình không quan tâm, không sợ những lời đánh giá trên MXH.
"Nếu nhìn những hình ảnh đó mà không thấy tục, tức là "tiên". Và cách dạy nhạc của tôi không dành cho người "phàm phu", chỉ hướng đến những người đã đạt đến "cõi ngộ". Học viên có học vị và tử tế, không màng tới thị phi", nghệ nhân Vĩnh Tuấn chia sẻ.
Về hình ảnh "ăn kem kiểu Ý" gây xôn xao trên MXH, ông cho biết ở Ý có tổ chức những buổi ăn kem như vậy để nói lên tình yêu. Và học viên của Duyệt Thị Trang chủ yếu từ nước ngoài về nên họ cũng không xa lạ gì hình thức này.
Ngoài trả lời phỏng vấn, trên trang cá nhân của mình, nghệ nhân Vĩnh Tuấn cũng đăng tải lại đoạn cảm nhận của học viên về khóa học tại Duyệt Thị Trang như ngầm khẳng định bản thân không làm điều gì phản cảm, dung tục như MXH chỉ trích.
Ông viết: "Suốt 2 ngày nay liên tục được các phóng viên nhiều nơi phỏng vấn từ xa Duyệt Thị Trang những sự kiện làm xôn xao trên mạng. Theo đây đăng lại vài cảm nghĩ của những bạn đã về Duyệt Thị Trang sống 3 tháng ̃từng làm trong ngành giáo dục và tổ chức nhiều sự kiện truyền cảm hứng trong cộng đồng thay cho câu trả lời để khỏi phải làm mất thời gian của cả các bên.
Thay Binh Hoa Nguyen: Mọi người nhìn Thầy như một nghệ nhân.
Thầy bảo: "Thầy là ông ăn mày".
Còn với tôi, thầy là một ông tiên sống giữa đời thực.
Cuộc đời của thầy đàn ông ghen tị. Đàn bà khát khao. Con nít yêu thương. Chó mèo quấn quýt.
Mấy người chỉ nhìn thầy qua facebook thì tò mò. Thầy tôi có hàng ngàn cô đệ tử, họ đều là mỹ nhân. Thầy có hàng triệu bức ảnh đẹp của những chuyến du ngoạn phiêu lưu mạo hiểm.
Nhưng khoảnh khắc ngày hôm nay, khi nhìn thầy vuốt ve đôi bàn tay của cô gái này, ánh mắt của thầy, năng lượng ấm áp, nước mắt tôi bất giác lăn dài.
Đôi khi ta nghi ngờ tất cả. Không phải tại cuộc đời đáng sợ, chỉ là trí ta chưa đủ sáng, tâm ta chưa đủ rộng. Thầy thường thương hơn, dành nhiều sự quan tâm hơn cho những thân phận khó khăn, yếu thế.
Những đứa như tôi, thầy lại nghiêm khắc bội phần. Lắm lúc nghĩ tủi thân. Sau này càng gần thầy mới càng hiểu trái tim của Bồ Tát vốn chẳng phân biệt sang hèn, xấu đẹp. Độ chúng sinh chẳng quản đêm ngày."
Sau những chia sẻ này của nghệ nhân Vĩnh Tuấn, rất nhiều người vào thể hiện sự cảm thông hoặc chia sẻ những câu chuyện bênh vực ông.
Khóa học âm nhạc truyền thống, cụ thể là đàn tranh tại Duyệt Thị Trang khá đặc biệt. Nếu muốn theo học, rất đơn giản, học viên chỉ cần có đam mê là đủ rồi. Nhưng khi vào học, thầy Vĩnh Tuấn sẽ chỉ dạy họ trong 3 ngày, sau đó buộc phải tự lập. Nếu sau 3 ngày vẫn không đàn được, tức là học viên đó không có năng khiếu.
Những ai theo tiếp, trong 3 tháng học đàn tại Duyệt Thị Trang họ sẽ được sống một cuộc sống rất khác biệt: tự cung tự cấp, hòa mình vào thiên nhiên, tắm bùn, mò cua bắt ốc, trồng rau, luyện đàn... Thầy và trò cũng thường xuyên có những buổi du ngoạn, ngao du sông nước đầy ngẫu hứng.
Phan Ý Ly - một học viên của nghệ nhân Vĩnh Tuấn đã miêu tả cảnh bản thân ngồi đàn giữa rừng sâu như một sơn nữ áo lam.
Theo M52 (Nhịp Sống Trẻ)