Cả nhà chung tay giúp đỡ người lao động thất nghiệp do Covid-19
Cách đây 1 tuần, anh L.V.P. từng chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân của mình về việc anh cứu một nam thanh niên chạy Grab nhảy cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP HCM).
Theo chia sẻ của anh P., khoảng 11h ngày 29/5, khi chạy trên cầu Bình Triệu, anh thấy anh P.Đ.H (SN 1992) mặc áo Grab leo lên lan can cầu Bình Triệu rồi nhảy xuống sông Sài Gòn.
"Nhớ ra gần đó có chú Ba Chúc, người chuyên vớt xác. Mình bỏ lại xe máy, chạy xuống chân cầu, gọi điện thoại cho chú Ba kéo máy ghe ra cứu. Khi anh này vừa chìm nghỉm là lúc chú Ba kịp túm tóc lôi vào bờ. Sơ cứu xong, hai chú cháu đang lu bu gọi công an phường ra thì anh này tiếp tục ý định nhảy xuống sông lần thứ 2. May kịp níu chân lại, chú Ba dặn dò mình phải ôm chờ công an ra", anh P. chia sẻ.
Sau khi tâm lý ổn định, anh H. kể nhà mình ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Do dịch Covid-19 nên anh đã thất nghiệp hai năm nay nên đã nghĩ quẩn tự tử nhưng may mắn được mọi người ứng cứu.
Câu chuyện về nam thanh niên mặc áo Grab nhảy cầu tự tử vì thất nghiệp 2 năm ở trên tưởng như "dở khóc dở cười" với nhiều người nhưng nó lại đang phản ánh đúng một hiện trạng, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người gặp khó khăn trong việc làm ăn, thậm chí thất nghiệp.
Sau khi nghe về câu chuyện trên, chị Nguyễn Thị Thành (ở Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) đã không kìm được lòng và quyết định đứng lên hỗ trợ những người dân khó khăn, không có việc làm do dịch Covid-19.
Chị Thành kể, chị được nghe câu chuyện về nam thanh niên mặc áo Grab nhảy cầu tự tử qua một buổi đi chơi tại nhà con gái. "Nghe xong câu chuyện, lòng tôi nặng trĩu và mất ngủ cả đêm hôm đó. Tôi nghĩ rằng, dịch bệnh khiến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thật nhưng không đến mức nghỉ quẩn như vậy.
Sau đêm đó, tôi nghĩ rằng mình phải đứng lên để làm một điều gì đó giúp mọi người và nảy ra ý định phát quà từ thiện như tặng gạo, tặng tiền… cho những người nào không thu nhập để lấy số tiền đó để chi tiêu trong khoảng thời gian khó khăn này".
Chị Thành lên kế hoạch chuẩn bị và được tất cả người thân trong gia đình mình ủng hộ, "người góp gạo, người góp thêm tiền" để chia sẻ gánh nặng. Thậm chí, ngay sau khi đăng bài viết hỗ trợ người nghèo lên Facebook, có gia đình đã mang gạo đến tận nơi để cùng chị ủng hộ.
"Tôi không ngờ bài viết đăng lên Facebook lại được nhiều người biết đến như vậy. Đúng như dự kiến như ban đầu, mỗi người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận 20kg gạo và 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau khi phát được một ngày mà số lượng người đăng kí quá đông nên tôi đã giảm xuống một suất quà là 20kg gạo và 200 nghìn đồng.
Hiện tại, mỗi một tháng tôi sẽ trao 1 lần có cả gạo, tiền và sẽ cố gắng hết sức phát quà cho mọi người đến khi nào bản thân tôi không thể làm được nữa", chị Thành nói.
Không chỉ phát quà cho những người lao động thất nghiệp do Covid-19, chị Thành cũng thực hiện trao những suất ăn, suất bún, hay những bó rau ở khu Thái Thinh, Phúc Tân cho những người có hoàn cảnh khó khăn. "Tuy đây là những món quà nhỏ bé nhưng là tấm chân thành của chúng tôi giúp đỡ những người dân khó khăn trong mùa dịch này", chị Thành khẳng định.
Giọt nước mắt hạnh phúc của những người lao động nghèo
Đi xe máy chở con gái hơn 30km từ Hưng Yên đến số 277 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), chị Bàn Thị Thương không cầm nổi những giọt nước mắt khi nhận được quà. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, chị Thương làm bưng bê ở các nhà hàng để trang trải cuộc sống, nuôi 2 con nhỏ.
"Khi dịch bệnh xảy ra, nhà hàng đóng cửa, khoản thu nhập 5 triệu/tháng của tôi không còn khiến cuộc sống vô cùng khó khăn. Vài tháng nay ba mẹ con chúng tôi đều sống nhờ vào những món quà từ thiện", chị Thương buồn bã chia sẻ.
Sau khi đọc được bài đăng tặng quà cho người lao động thất nghiệp qua Facebook chị Thành, chị Thương đã muợn xe máy của bạn để đến nhận quà. "Do trời nắng nên hơn 5h chiều hai mẹ con mới bắt đầu đi. Đến nơi tôi rất bất ngờ vì có quá nhiều người có hoàn cảnh giống mình", chị Thương nói.
"Món quà này hiện tại có thể nhỏ đối với nhiều người nhưng nó cực kì quan trọng và quý giá đối với mẹ con tôi lúc này", chị Thương xúc động.
Cũng nhận được thông tin qua Facebook như chị Thương, anh Phạm Văn Thành (trọ ở Phú Đô, Hà Nội), cùng vợ và và con trai rất vui mừng khi đến điểm phát gạo.
"Tôi đang đi hát tại đoàn khuyết tật, khi không có dịch, hai vợ chồng đi làm vẫn đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch bệnh trở lại nên đoàn nghỉ khiến cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn.
Không có việc, không có thu nhập nên thời điểm này gia đình tôi rất khó khăn, nhiều khi phải vay mượn khắp nơi và nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè", anh Thành chia sẻ.
"Tôi rất cảm ơn chị Thành bởi món quà này sẽ giúp gia đình chúng tôi có thêm tiền để mua thức ăn, chi trả một phần cho cuộc sống. Hiện tại, tôi còn lo cho con đi học và phải lo rất nhiều thứ tiền như phòng trọ vì mỗi tháng phải đóng 2 triệu, còn ăn uống hàng ngày nữa, tôi cũng đã tiết kiệm tối đa nhưng không thể đủ", anh Thành nói.
Theo Đinh Huy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)