Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch thị trấn Yên Thành cho biết: “Trước đây, khi bước vào mùa gặt, tình trạng “cò” đẩy giá khiến nhiều chủ máy gặt cũng như nông dân rất bức xúc, gây tranh chấp khiến tình hình an ninh trật tự địa phương mất ổn định. Sau đó chúng tôi ký hợp đồng với chủ máy gặt, tình hình “cò” mới lắng xuống, giá gặt ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng/sào (trước đây là 180.000 - 200.000 đồng/sào)”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Nhân Thành nhiều chủ máy gặt cũng phải đóng khoản phí 1 triệu đồng để được vào gặt tại những cánh đồng trên địa bàn xã. Ngoài khoản tiền đóng phí này, các chủ máy gặt còn phải đặt cọc thêm 2 triệu đồng tiền “tín chấp” để làm tin, nếu máy gặt làm hư hỏng đường xã, cầu cống, khoản tiền này sẽ bị tịch thu sung vào công quỹ.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thọ Tuy - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành cho hay: “Chúng tôi biết việc làm trên là hoàn toàn sai, nhưng việc làm này là có lợi cho dân chứ chúng tôi không hề tư lợi...”
Sáng 9.9, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vương Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Việc chính quyền xã đứng ra ký hợp đồng kinh tế và nhận tiền của chủ máy là hoàn toàn sai. Theo pháp luật, chỉ các tổ chức kinh tế như HTX hay một công ty nào đó mới được đứng ra ký hợp đồng với chủ máy. “Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu các xã thu tiền của chủ máy gặt báo cáo tình hình vụ việc, sau đó sẽ xem xét. Đến thời điểm này, huyện đã yêu cầu xã Bắc Thành trả lại tiền cho 24/24 chủ máy gặt và kiểm điểm nghiêm túc những tập thể, cá nhân có liên quan. Riêng những xã mới phát hiện chúng tôi cũng yêu cầu báo cáo đầy đủ, nếu có sai phạm chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm, tránh tình trạng này kéo dài gây hoang mang dự luận” - ông Nguyễn Vương Ngọc cho biết thêm.
Theo Cảnh Thắng (Dân Việt)