Ngày trở về của người mẹ 22 năm bị bán sang Trung Quốc

12/06/2016 08:32:00

Dắt con trai 10 tuổi rời làng quê với mong ước tìm được chốn mưu sinh, bà Hồng không ngờ chuyến xe khách ngày đó đó đã chia cách mẹ con bà hơn 20 năm.

Dắt con trai 10 tuổi rời làng quê với mong ước tìm được chốn mưu sinh, bà Hồng không ngờ chuyến xe khách ngày đó đó đã chia cách mẹ con bà hơn 20 năm.

Nắm chặt tay con trai, thi thoảng bà Nguyễn Thị Hồng (54 tuổi) lại vỗ về như động viên đứa con máu mủ thiếu thốn tình thương của mình hàng chục năm qua. "Mẹ từng nghĩ sẽ không có ngày được gặp lại con nữa", bà thổn thức.

Đáp lời người mẹ già, anh Lê Công Dũng (con trai duy nhất của bà Hồng) rưng rưng: "Con cứ nghĩ mẹ đã chết nên ngày lễ tết vẫn hương khói vái vọng mẹ". Nói rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào.

ngay-tro-ve-cua-nguoi-me-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc

Hai mẹ con anh Dũng và bà Hồng. Ảnh: Hải Bình

Sinh ra trong gia đình nghèo, 20 tuổi cô gái tuổi mới lớn Nguyễn Thị Hồng lập gia đình với người đàn ông cùng quê ở Nam Đàn. Ngày con trai tên Dũng lên ba tuổi cũng là lúc hôn nhân của vợ chồng bà Hồng tan vỡ. Bà ở vậy nuôi con, nhưng cuộc sống lam lũ không thể thoát khỏi cái nghèo đeo bám.

Bà kể, một ngày đầu năm 1994, người phụ nữ tên Liên lớn hơn mình vài tuổi, trú ở huyện Nam Đàn tìm tới nhà bắt chuyện làm quen. Biết gia cảnh hai mẹ con, Liên dùng lời ngon ngọt hứa đưa hai mẹ con đi làm ăn ở một tỉnh phía Bắc với lương cao, nhàn hạ lại có thể ở bên con. Tin lời người này, bà Hồng gật đầu.

Một đêm tối như mực, bà Hồng bí mật dắt con trai 10 tuổi lên chuyến xe khách hành trình ra Bắc cùng Liên. Hành trang mang theo là vài bộ đồ áo chây sờn, vài nghìn tiền lộ phí cùng đầy ắp hy vọng về cuộc sống mới.

Xe lăn bánh chưa được bao lâu, bà Hồng bỗng rơi vào trạng thái mê man sau cốc nước và chiếc bánh mì của người phụ nữ đi cùng. Tỉnh dậy, bà Hồng mới hay biết mình đã đi sâu vào nội địa của Trung Quốc, con trai cũng không còn bên cạnh. Sau vài chặng nghỉ ngơi, bà được một nhóm người đưa lên tàu ra đảo Hải Nam. Thấy nhóm người ngã giá, giao nhận tiền mà bản thân là món hàng, bà mới biết mình đã bị bán.

Được một người đàn ông tên là Lý Kẻ Khỉu lớn hơn mình 20 tuổi mua về làm vợ, biết không thể phản kháng hay chạy trốn, bà Hồng ngậm đắng đưa chân.

Những ngày đầu làm vợ ở xứ người, bà kể rằng may mắn gặp được người đàn ông thương yêu mình. Ông ta nói, ban đầu nghĩ bà Hồng tự nguyện sang Trung Quốc để làm vợ, sau đó bà học được tiếng bản địa nên giải thích cho chồng chuyện bị lừa bán và được cảm thông hơn. Phỏng đoán con trai 10 tuổi của bà có thể cũng bị bán sang Trung Quốc cho các đoàn xiếc nghiệp dư nên ông Khỉu khuyên vợ đi tìm.

"Tôi và chồng lang thang các đường phố, ghé các rạp xiếc mong tìm thấy con nhưng không có kết quả. Hy vọng sau mỗi lần đi tìm tắt dần", bà nói.

Một năm chung sống, vợ chồng bà đón con gái đầu lòng rồi tiếp tục có con trai sau ba năm. Hơn 5 năm trước, ông Khỉu chồng bà mất sau một cơn tai biến. Bà Hồng một mình chăm lo, dựng vợ gả chồng cho hai con. Rồi bà cũng lần lượt đón tin vui vì có cháu nội, ngoại đều huề.

Một ngày kia, bà Hồng tình cờ nghe người quen nói có một người Việt Nam đang làm công nhân gần nhà nên bà tìm tới hỏi thăm.

Bà kể câu chuyện của bản thân với người đàn ông tên Minh quê ở thị xã Cửa Lò. Sau khi lấy địa chỉ quê quán, tên con trai, anh Minh liền gọi điện về cho vợ mình ở quê. Vợ anh lập tức lên đường và tìm được tới nhà anh Lê Công Dũng, nối máy để mẹ con nhận nhau.

ngay-tro-ve-cua-nguoi-me-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc-1

Ngôi nhà của gia đình anh Dũng ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Hải Bình.

Tiếp lời mẹ, anh Dũng cho biết, cuộc điện thoại ngắn ngủi sau gần 20 năm xa cách của mẹ con họ diễn vào một ngày của năm 2012. Anh kể câu chuyện sau khi mẹ bị người xấu lừa bán, anh được chúng đưa trở về quê giao cho người thân. Được bà nội một tay chăm sóc, anh Dũng lớn lên lập gia đình rồi sinh sống tại quê hương.

"Cuộc điện thoại hôm đó cứ ngỡ đang mơ vì không tin mẹ còn sống. Tôi gọi Mẹ à, thì đầu dây bên kia giọng người phụ nữ nấc nghẹn gọi Dũng ơi, có phải con đó không. Rồi mẹ kể về gia đình họ hàng và hai mẹ con liên tục bật khóc, nói không nên lời", anh Dũng thuật lại. Từ lúc đó, anh hạ lư hương không còn cúng giỗ, khấn vái mẹ nữa.

Sau cuộc điện thoại đó, dù biết mẹ mình đang sống ở Trung Quốc nhưng anh không có điều kiện để đón mẹ về. Phải mất gần 4 năm gom góp lộ phí, tìm hiểu đường đi, năm 2016 anh Dũng một mình lặn lội tới nơi mẹ đang sống để đón bà trở về.

Bữa cơm sum vầy của đại gia đình là các con trai gái, dâu rể và các cháu của bà Hồng vừa mừng vừa tủi. Anh Dũng xin các em cùng mẹ khác cha đón bà Hồng về thì được ủng hộ. 

Ngày bà Hồng trở về được nhìn thấy con dâu và hai đứa cháu nội lên 5 và 10 tuổi lon ton chạy ra gọi bà, người phụ nữ mái tóc ngả màu rưng rưng hai hàng nước mắt vì sung sướng.

ngay-tro-ve-cua-nguoi-me-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc-2

Bà Hồng bên hai cháu nội và con trai. Ảnh: Hải Bình.

Nói về dự định trong tương lai, bà Hồng cho biết nếu có điều kiện kinh tế và sức khỏe, bà muốn thường xuyên trở lại Trung Quốc thăm các con và các cháu, đón họ về Việt Nam chơi. "Lúc tôi dứt áo trở về, các con, các cháu bên đó khóc, liên tục dặn dò mẹ quay trở lại. Tôi chỉ kịp nói với chúng là cứ để mẹ về đã, có trở lại được hay không thì để mẹ tính sau", bà Hồng đỏ hoe mắt bỏ dở câu nói.

Ông Bùi Hữu Hùng, Trưởng công an xã Nam Thanh (huyện Nam Đàn) cho hay, khi bà Hồng trở về địa phương, chính quyền đã có cuộc gặp để lấy lời khai, lập hồ sơ sự việc. 

Theo Hải Bình (VnExpress.net)

Nổi bật