"Chống dịch như chống giặc"
15h20 ngày 30/1 (mùng 6 Tết) - ngày đầu tiên đi làm đầu năm mới, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả 3 công nhân Việt Nam trở về từ Vũ Hán dương tính với chủng mới của virus corona. Trong số họ, có Nguyễn Thị Dự, 23 tuổi, trú xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hôm đó, thôn Ái Văn tổ chức đá bóng ngay sau sân bóng nhà Dự, cô cũng đến chơi, cổ vũ. Bản thân Dự không hề nghĩ bản thân có khả năng dương tính với virus. Đến buổi tối, đài báo đưa tin, cả thôn Ái Văn bắt đầu lo lắng. Còn riêng Dự, cô bất ngờ và hoang mang.
Sáng mùng 7 Tết, tất cả hoạt động vui chơi, thể thao, lễ hội xuân trên địa bàn xã Sơn Lôi được yêu cầu dừng lại, tránh tụ tập đông người. Xã thành lập các ban chỉ đạo, kiện toàn các đội vệ sinh phòng dịch. Xung quanh nhà Dự trong vòng bán kính 100 mét, Đội vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành phun thuốc tiêu trùng, khử độc. Người dân tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc.
Đến trưa ngày 13/2, Bộ Y tế tiếp tục công bố ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là người dân trên địa bàn xã Sơn Lôi. Đó là ông Nguyễn Văn Vinh, 50 tuổi, cha đẻ Dự. Mẹ và em gái của cô, cách một tuần trước, cũng được xác định dương tính với virus.
Thời điểm đó, toàn xã Sơn Lôi có 6 ca bệnh dương tính, bất đắc dĩ trở thành "tâm dịch" viêm phổi cấp tại Việt Nam.
|
Tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng ra quyết định khoanh vùng, cách ly toàn bộ khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, thời gian phong toả 20 ngày, kể từ 13/2. 12 chốt, trạm kiểm soát y tế, cô lập vùng dịch tại các đầu mối giao thông được thành lập. Sở Y tế huy động 96 y, bác sĩ đến làm nhiệm vụ tại các chốt; 65 cán bộ y tế khác được giao hỗ trợ chuyên môn tại 13 trạm y tế xã, thị trấn thuộc huyện Bình Xuyên.
10.641 nhân khẩu trong thời gian phong toả được chính quyền hỗ trợ 40 nghìn đồng/người/ngày với trường hợp cách ly tại nhà và 60 nghìn đồng/người/ngày với đối tượng cách ly ở các cơ sở cách ly tập trung.
Riêng xã Sơn Lôi huy động toàn bộ người dân từ đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ,... chia ra 31 tổ xung kích tự nguyện, mỗi ngày đi đo thân nhiệt cho toàn bộ dân cư trên địa bàn, ròng rã gần một tháng trời phong toả, từ 7h sáng đến 12h trưa. Họ có nhiệm vụ tập hợp số liệu, sàng lọc các đối tượng, phát hiện trường hợp bất thường, có biểu hiện ho sốt, rồi kịp thời báo cáo trung tâm y tế xã.
Đặc biệt, trong số 100 người xung phong, xã Sơn Lôi tuyển chọn 48 người đủ sức khoẻ, có hiểu biết về dịch bệnh, để tăng cường cho 12 chốt kiểm soát, nhận nhiệm vụ cùng các chiến sĩ công an, bộ đội.
Đám ma thời COVID-19
Dự là ca bệnh dương tính đầu tiên của thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi. Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng và khó ứng phó như Vũ Hán, cách tốt nhất là khoanh vùng cách ly, người dân Ái Văn nói riêng và Sơn Lôi nói chung đều nhất trí.
Trưởng thôn Nguyễn Duy Hải ngay khi nhận được thông báo, đã huy động nhóm thanh niên dựng bàn ghế ngay trước cửa nhà văn hoá, tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, in băng rôn khẩu hiệu dán khắp xóm làng.
"Thời điểm đó, 80-90% người dân đều đeo khẩu trang", ông Hải nói.
20 ngày cách ly, 98% người dân thôn Ái Văn đều quay về địa phương. Những người đi làm ăn xa, nhận được điện thoại của người thân, đều tự giác đi về. Khung cảnh đông đúc hơn hẳn mấy ngày Tết. Họ không sợ bị kì thị, chỉ lo lắng dịch bệnh lây lan.
Cuộc sống người dân êm ả trôi, bình thường như mọi ngày. Nếu có khác, chỉ là nhịp sống chậm hơn một chút. Họ tâm sự nhiều hơn, giúp đỡ nhau xây dựng nhà cửa.
Từ ngày đầu tiên có lệnh phong toả, ông Nguyễn Như Tâm (Bí thư đảng uỷ), là người xã khác, đã mang quần áo vào Sơn Lôi "trực chiến" cùng bà con. Ông tổ chức nấu cơm, "úp" mì tôm cùng người dân ngay tại hội trường thôn, nghỉ ngơi trực tiếp trong phòng làm việc.
Ông Tâm cho biết, trong suốt 20 ngày cách ly, ngoài nhiệm vụ trọng tâm "chống dịch như chống giặc", tất cả công việc của xã vẫn được duy trì bình thường. Bà con đã hoàn thành gieo cấy 480 ha trước Tết nguyên đán. Việc giỗ họ, lễ đầu xuân bị dừng lại. Ngày trước, 30-40 mâm cỗ còn được xem là ít, thì nay nhân dân chỉ làm một mâm cơm để cúng tổ tiên, không tập trung con cháu.
12 chốt kiểm soát những ngày đầu tiên hứng chịu gió rét, mưa phùn. Nhân dân trong xã người nấu xôi, luộc khoai, người mang củi ra thăm hỏi, động viên các anh chiến sĩ. Ròng rã 20 ngày, không chốt nào thiếu củi, thiếu đồ ăn.
"Ca dương tính đầu tiên của Sơn Lôi làm chuyển biến rõ nhận thức của nhân dân. Lúc đầu sẽ có những hoang mang, nhưng ngay ngày hôm sau, bà con đã cùng chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Những lúc khó khăn, chúng ta mới cảm nhận rõ rệt sức mạnh của toàn dân, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách". Ông Tâm khẳng định, nếu không thực hiện tốt ngay bước đầu thì dịch đã có thể bùng phát hàng trăm người, không dừng lại ở con số mà chúng ta biết.
Có sự kì thị người dân Sơn Lôi nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung, nhưng ông Tâm nói, cá nhân người mắc bệnh thực sự cũng không nhận thức được sự lây nhiễm khi COVID-19 mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Xoá sự kì thị không phải ngày một, ngày hai, nhưng nếu không có sự đồng thuận của người dân, thì cho đến bây giờ, xã Sơn Lôi đã không thể chiến thắng bước đầu dịch bệnh.
Lãnh đạo xã Sơn Lôi nhận định 20 ngày cách ly phong toả là một "cuộc tổng diễn tập thực tiễn" mà kể cả một vị đạo diễn đại tài nào đó, cũng không lường trước được các tình huống phát sinh. Ngày đầu tiên phong toả, 12h đêm, vẫn có công dân lên uỷ ban xã xin giấy thông hành. Dù là người đi đẻ, cấp cứu hay đám ma, đều phải có xác nhận mới được phép đi qua các chốt kiểm soát.
Cách đây mấy hôm, trên địa bàn xã có 3 người mất vì đau ốm. Đám tang của họ đều được xã hỗ trợ hoả táng theo phong tục địa phương. Đám ma thời COVID-19 khác hẳn ngày thường, 100% người đến dự đều đeo khẩu trang, nước rửa tay được bố trí ngay lối vào. Không diễn văn dài dòng, không mâm cao cỗ đầy, thủ tục ngắn gọn nhất có thể. Trên đường đi hoả táng, giấy thông hành được cấp cho 3 nhân thân đi cùng, thay vì 20-25 người như trước. Họ mặc đồ bảo hộ kín mít, tiễn người quá cố về đài hoá thân trong tĩnh lặng.
"Qua cơn hoạn nạn, sẽ liên hoan một bữa"
Từ ngày xã có lệnh phong toả, em Trần Hải Nam, 14 tuổi, tham gia đội xung kích phòng chống COVID-19 của xã. 7h30 sáng, 31 tổ "gõ cửa" từng nhà dân, tiến hành đo thân nhiệt, ghi chép lịch sử dịch tễ.
"Chú trưởng thôn hướng dẫn bọn em sử dụng máy đo thân nhiệt. Nếu nhiệt độ bất thường, trên 37,5 thì phải báo cáo lại", Nam kể. Trung bình mỗi ngày, Nam đến thăm khám cho 89 hộ dân trên địa bàn xã.
Những ngày bình thường, Nam hoặc ở nhà học bài, chuẩn bị cho kì thi cấp 3, hoặc chăm 2 em giúp bố mẹ. Bố dặn, "đi làm" về không được quên nhiệm vụ quan trọng, là học bài đầy đủ. Sang tuần, em sẽ quay lại trường lớp cùng các bạn.
"Em thích ăn cơm ở thôn, vì đông người trò chuyện, được làm quen với nhiều anh chị trong đoàn. Em thấy bản thân có ích cho xã hội, dù em còn nhỏ, nhưng góp được chút công sức đẩy lùi COVID-19", Nam vui vẻ nói.
Trưởng thôn Ái Văn lập một nhóm chát mang tên "Phòng chống dịch COVID-19", tập hơn 20 thành viên, chủ yếu thuộc các nhóm xung kích. Mỗi ngày, mọi người trao đổi với nhau kế hoạch đo thân nhiệt, lịch phát khẩu trang y tế, vệ sinh xóm làng. Đặc biệt, Dự cũng có trong nhóm chuyện trò này.
"Đừng suy nghĩ nhiều em ạ, suy nghĩ nhiều quá không ốm cũng thành ốm đấy. Mà ốm thì sức đề kháng kém đi, nguy hiểm hơn đó. Cố lên", một người nhắn gửi tới Dự. Đáp lại, cô cảm ơn, hẹn "qua cơn hoạn nạn, sẽ liên hoan một bữa".
Ngày 10/2, sau 14 ngày điều trị, Dự được xuất viện về nhà. Hôm đó, người dân thôn Ái Văn không còn sợ hãi, họ đến cổng thôn chờ đón cô.
"Người Sơn Lôi chúng tôi ngồi lại bên nhau, hàn huyên tâm sự, chăm chút cho gia đình"
Sau 21 ngày không để xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới, vào lúc 0h ngày 4/3, xã Sơn Lôi chính thức hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong toả. Đêm đó, người dân Sơn Lôi kéo đến chật kín hội trường. Họ mang theo con nhỏ, nói rằng giây phút đợi chờ quyết định công bố xã hết cách ly không khác gì đêm Giao thừa.
Lực lượng chức năng dỡ bỏ hàng rào barie, "xoá sổ" 12 chốt kiểm soát, những người dân đầu tiên vẫy tay bước ra khỏi địa phận xã Sơn Lôi. Họ vui mừng, hò reo, thậm chí ôm nhau tíu tít.
Trời Sơn Lôi đổ cơn mưa nặng hạt, như gội rửa những muộn phiền gần một tháng qua. Sáng sớm, bà con đổ ra đường từ 6h. Những khu chợ cóc được dựng lên ngay chính trên khu vực trước đó là chốt kiểm soát. Bà Nguyễn Thị Quyết (70 tuổi) hớn hở bán bó rau cuối. Đằng xa, từng tốp công nhân tấp nập quay trở lại khu công nghiệp. Tuy nghỉ dài hạn, nhưng chị Tạ Thị Hường (38 tuổi, thôn Ái Văn) vẫn nhận được khoản hỗ trợ 70% lương của công ty, tương đương 3 triệu 900 ngàn.
"Không chỉ riêng tôi, tất cả người con Vĩnh Phúc đều vui mừng vì được làm việc, sinh hoạt trở lại", chị Hường bày tỏ.
Con đường mòn dẫn vào thôn Nhân Ái, bà Trần Thị Quy (70 tuổi) còng lưng khệ nệ vác trên vai chiếc cuốc, chuẩn bị ra thăm ruộng ngô. Những ngày ở nhà, bà trồng rau, bón phân, chỉ có cánh đồng 6-7 sào lúa ngoài chốt là bà chưa ra chăm được.
Tiếng xẻng cào vào mặt đất, những chiếc máy đổ xi măng nằm im trong góc nhà, nhóm công nhân nói chuyện rôm rả bên cạnh công trình phụ đang xây dở của gia đình chị Nguyễn Thị Anh (37 tuổi, thôn Nhân Nghĩa).
Ngày 25/2, khi nghe tin bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng chuẩn bị được xuất viện, 16/16 ca bệnh của Việt Nam đều phục hồi, vợ chồng chị Anh mới bàn nhau khởi công xây dựng. "Tranh thủ 20 ngày cách ly, không đi được đâu, chúng tôi nhờ người trong thôn xóm tới giúp. Mỗi hôm 20-30 người, chả ai vướng bận gì. Ngày thường không có thời gian, nhưng khi cách ly, họ rảnh rỗi", chị nói.
Trước đây, chị Anh nhập gà, chim câu trong xóm rồi mang xuống chợ Xuân Đỉnh (Hà Nội) bán lẻ, không nghỉ ngày nào. Sáng đi từ 3h, đến trưa 11h về, chiều ở nhà nghỉ ngơi rồi lại tranh thủ đi lấy hàng. Chồng chị quét sơn khắp xã Sơn Lôi, cứ có người gọi là đi. 20 ngày qua, chị chưa bán được con gà nào, đang sợ mất khách quen.
"Một ngày trước phong toả, tôi nhập 30 gà, 20 chim, nhưng cách ly không đi được đâu bán. Ế quá, tôi để lại nấu khao thợ. Sáng chiều 5 mâm, hơn 20 người".
Tối 3/3, chị Anh dẫn 3 đứa con tới hội trường xã từ 9h30, chờ tham dự buổi lễ công bố. Đến hơn 1h sáng hôm sau, khi xã Sơn Lôi chính thức "tự do", 4 mẹ con hạnh phúc dắt tay nhau về nhà. Chị tính vài hôm nữa sẽ lại bắt gà xuống Hà Nội bán, dù mất khách quen vì có người kì thị dân Vĩnh Phúc, nhưng chị tin, công việc rồi sẽ lại suôn sẻ, như cơn mưa thanh mát mà ông trời ban tặng cho bà con ngày hôm đó.
Mấy tiếng trước khi tháo dỡ cách ly, Phan Thị Sắc (25 tuổi, thôn An Lão) đứng đợi người giao bánh sinh nhật trước barie chốt kiểm soát. Đêm nay, khi Sơn Lôi hết phong toả, cũng là thời điểm gia đình chị tổ chức sinh nhật cho bà ngoại 79 tuổi. Hơn 20 người thân tề tựu đông đủ, cả 2 bên nội ngoại, là "sinh nhật đáng nhớ nhất từ trước đến nay".
"Mọi người ai cũng bận bịu, đi làm từ sáng đến tối, thậm chí làm đêm, ít gặp nhau. Nhưng "may" có đợt phong toả này, họ hàng mới ngồi lại đông đủ, hàn huyên nói chuyện, ôn chuyện xưa", Sắc kể.
Ngày thường, Sắc dậy từ 4h sáng, bán đồ ăn sáng trước cổng trường Tiểu học Sơn Lôi. Gần một tháng cách ly, 8-9h, cô mới thức giấc vì... không có việc gì để làm. Sắc nói nhờ thế, bản thân được sống chậm lại, thảnh thơi hơn. Lần trước bạn cô gọi hỏi thăm, bảo: "Sắc ơi, mày ở Vĩnh Phúc thật à?". Sắc "ừ". Từ hôm đấy trở đi không thấy người bạn liên lạc gì nữa.
Kể về ngày lễ Valenntine thời COVID-19, Sắc hài hước: "Em thấy mấy đôi vẫn chở nhau đi chơi xung quanh xã. Hôm trước có chị từ trong làng chạy ra chốt kiểm soát nhận quà của người yêu rồi ngậm ngùi đi về".
Cô giáo Tạ Thị Lan cùng đồng nghiệp dọn dẹp trường mầm non Sơn Lôi kể từ khi có lệnh phong toả. Mỗi ngày, chị đều gọi điện phụ huynh hỏi thăm tình hình sức khoẻ học sinh, rồi báo cáo ban giám hiệu. Trường Mầm non Sơn Lôi có 32 giáo viên, 500 học sinh, sẽ quay lại trường học vào đầu tuần sau, từ 9/3. Từng lớp đều đã chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay và máy đo thân nhiệt.
"Dù đi trên đường đeo khẩu trang, gặp tôi, một số học sinh vẫn nhận ra và chào to lắm. Lâu không gặp các con bảo nhớ cô, nhớ lớp". Cô Lan chia sẻ, 20 ngày qua là những ngày cô dành cho gia đình nhiều hơn. Cô mày mò, thỉnh thoảng nấu những món ăn "lạ" cho chồng mà thường ngày ít có thời gian.
"Dù cách ly hơi bất tiện, một số đám cưới, hội làng bị hoãn lại, nhưng cũng là cơ hội để nhiều người Sơn Lôi chúng tôi ngồi lại bên nhau, hàn huyên tâm sự, chăm chút cho gia đình", cô nói.
Anh Lê Đình Chinh, công tác tại Trạm y tế xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được tăng cường xuống xã Sơn Lôi làm nhiệm vụ phun khử trùng các phương tiện ra vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho người dân. Kết thúc 20 ngày công tác, anh vui mừng khi trên địa bàn xã không còn ca nhiễm COVID-19 và hạnh phúc khi 12 chốt đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Tôi luôn biết ơn bà con xã Sơn Lôi đã có những chia sẻ, củ khoai, củ sắn, bó củi, sát cánh cùng anh em trực chiến ròng rã 20 ngày qua. Kết thúc nhiệm vụ, tôi được cơ quan đón về, bàn giao công việc mới, trước khi được về với gia đình. Trong tôi, gần một tháng qua, ấn tượng nhất sẽ mãi là tình cảm của người dân. Dù còn khó khăn, nhưng họ sẵn sàng dành cho chúng tôi tất cả những gì họ có...", anh Chinh xúc động.
Những ngày mới bắt đầu trên những con xóm nhỏ ở Sơn Lôi. Nụ cười, niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt. Cuộc sống trôi qua bình thường là thứ họ khát khao 20 ngày qua, cuối cùng đã thành hiện thực.
Vậy là, sau cơn mưa trời lại sáng.
Theo Minh Nhân - Phương Thảo (Trí Thức Trẻ)