Ngày đầu vận hành metro Nhổn - ga Hà Nội: 1,4 vạn khách đi tàu

09/08/2024 06:11:29

Cuối giờ chiều 8/8, đơn vị vận hành cho biết, đã có hơn 1,4 vạn khách đi tàu trong ngày vận hành metro đoạn Nhổn – Cầu Giấy.

Đi gần 40 km để trải nghiệm tàu đô thị

Sau hơn 14 năm thi công, ngày 8/8 dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội chính thức chạy tàu ở đoạn trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy, dài 8,5 km.

Mặc dù 8h sáng mới đến giờ chạy tàu nhưng từ 7 giờ sáng ngày 8/8, ga tàu trên cao tại Cầu Giấy (ga S8 - xuất phát đi Nhổn) đã có rất đông người dân lên chờ để được đi tàu. Đến gần 8h, hai bên hành lang chờ tàu, khách đứng kín chỗ. Khi chuyến tàu đầu tiên mang màu sắc xanh hồng và đầu tàu có biểu tượng Khuê Văn Các trườn tới, 4 toa tàu với sức chứa hơn 900 hành khách kín chỗ chỉ trong 2 phút tàu đến.

Tại ga Nhổn, bà Phùng Thị Thu (67 tuổi, quê thị xã Sơn Tây) cho biết, bà cùng 5 người bạn sáng sớm ngày 8/8 di chuyển gần 40 km tới ga Nhổn để được là những người đầu tiên trải nghiệm đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. “Được biết nay là ngày đầu tiên tàu chạy nên từ đêm qua chúng tôi đã háo hức rủ nhau đi thử. Gần 6 giờ tôi đã bắt xe buýt từ Sơn Tây để xuống đây. Lần đầu được đi tàu như thế này nên chúng tôi háo hức và hồi hộp, cảm giác rất đặc biệt”, bà Thu hào hứng kể.

Toàn bộ dự án có 12 ga (8 ga cao tầng và 4 ga ngầm), với 8 ga trên cao được đưa vào hoạt động từ ngày 8/8. Mỗi đoàn tàu Nhổn – ga Hà Nội có 4 toa, công suất chở khách từ 944 - 1.124 người, mỗi giờ tàu vận chuyển được hơn 16.000 khách/hai chiều. Tàu có tốc độ thiết kế 80km/h nhưng khi vận hành thương mại tàu chạy ở vận tốc khoảng 35km/h. Tàu Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ và tính năng gia tốc lớn hơn tàu Cát Linh - Hà Đông. Vì có tốc độ lớn hơn nên bắt đầu khởi hành sẽ hơi giật so với tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông. Trong 15 ngày đầu tiên đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí. Sau thời gian miễn phí, tàu có vé lượt là 12.000 đồng, giá vé ngày là 24.000 đồng (đi không kể lượt).

Nhiều người sinh sống tại Hà Nội cũng háo hức khi tuyến đường vận hành sau hơn 1 thập kỷ mong đợi. Chị Trâm Anh (40 tuổi, nhà ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) cho biết, nhiều lần tưởng được đi tàu nhưng lại hoãn nên cũng có phần hụt hẫng, nay tàu chính thức chạy nên chị đến trải nghiệm để xóa đi cảm giác đó. “Tuyến đường sẽ giúp tôi cũng như nhiều người dân có thể đi lại thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và bảo vệ môi trường”, chị Trâm Anh chia sẻ.

Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành là Hanoi Metro đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.

Ngày đầu vận hành metro Nhổn - ga Hà Nội: 1,4 vạn khách đi tàu
Người dân trải nghiệm metro Nhổn - ga Hà Nội sáng 8/8. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với PV Tiền Phong ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro (đơn vị vận hành) cho biết, tính đến 16h chiều ngày 8/8 - ngày chạy tàu đầu tiên Hanoi Metro ghi nhận có 14.737 hành khách đi tàu. Trung bình 1 giờ có khoảng hơn 1.800 khách đi tàu đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Con số này tương đương với khách đi trên tuyến Cát Linh - Hà Đông trong ngày bình thường (khoảng 27.000 khách/ngày đêm).

Kỳ vọng giảm xe cá nhân, ùn tắc

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty Hanoi Metro cho biết, với khả năng vận chuyển mỗi giờ được từ 15.000 đến 20.000 khách, nếu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hoạt động hết công suất sẽ giảm được lượng lớn xe cá nhân di chuyển trên trục đường QL32 từ Cầu Giấy đi Nhổn.

Theo ông Trường, khi chưa có tàu Cát Linh - Hà Đông thì trên tuyến đường QL6 từ Ngã Tư Sở đi Yên Nghĩa dài 10 km thường xuyên ùn tắc và có đến từ 5 đến 7 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ khi tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, từ năm 2021 đến nay liên ngành Sở GTVT - Công an đã thông báo các điểm ùn tắc tại đây liên tục giảm. Tất nhiên, việc giảm xe cá nhân, giảm các điểm ùn tắc cần nhiều giải pháp, tuy nhiên việc mỗi giờ, nhất là thời gian cao điểm tàu Cát Linh - Hà Đông chở được hàng nghìn khách thì số lượng xe cá nhân và người đi trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Hà Đông sẽ giảm đi nhiều. “Cùng với đó, với chiều dài 13 km, vào giờ cao điểm từ Cát Linh đi bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) và ngược lại nếu đi ô tô, xe máy phải hết từ 45 phút đến 1 giờ, nhưng nếu di chuyển trên tàu điện thì chỉ có 15 phút, hành trình này vận chuyển luôn ổn định, đúng giờ và không bị phụ thuộc vào tình hình giao thông trên các tuyến phố, thời tiết”, ông Trường nói.

Hà Nội có 9 tuyến đường sắt đô thị

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 đến 2030 tầm nhìn 2050 thành phố Hà Nội thực hiện và đưa vào sử dụng 9 tuyến đường sắt đô thị. Bao gồm: Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A), Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1), Mê Linh - Sài Đồng (tuyến số 4), Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5), Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 7), Mê Linh - Hà Đông (tuyến số 8); Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá (tuyến số 9)... Đến nay sau 14 năm thực hiện quy hoạch trên, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 dự án, gồm Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3).

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban MRB cũng đồng ý với ý kiến trên và đưa ra dẫn chứng: Trước khi đưa tàu Nhổn - ga Hà Nội vào hoạt động, chủ đầu tư cùng với nhà thầu Pháp đã cho chạy thử an toàn đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, từ ga depot Nhổn về ga Cầu Giấy (dài khoảng 10 km) trong giờ cao điểm, kết quả tàu chỉ di chuyển khoảng thời gian là 15 phút. Với quãng đường này, giờ cao điểm đi trên trục QL32 từ Nhổn về Cầu Giấy để đạt được khoảng thời gian này là điều khó có thể đạt được.

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, với khả năng vận hành và sức chuyên chở lớn tàu Nhổn - ga Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi giao thông trên trục QL32. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tàu, trong ngày 8/8 Đội CSGT số 6 đã triển khai các tổ công tác đảm bảo trật tự dọc 8 ga trên cao. “Cùng với điều tiết, hướng dẫn xe qua lại không gây ùn ứ giao thông, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận cửa ga, lên đi tàu, ngày 8/8 Đội đã làm việc với các phường sở tại có các ga đường sắt để phối hợp đảm bảo trật tự các cửa ra vào ga, vỉa hè khu vực hành lang các nhà ga”, ông Chiến nói.

Theo Trọng Đảng - Phùng Linh (Tiền Phong)