Thưa Bộ trưởng, câu chuyện tặng quà Tết đang là mối quan tâm của người dân và DN. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về “văn hoá quà Tết” hiện nay?
Văn hoá quà Tết là văn hoá tốt đẹp chứ không có gì xấu. Tết đến xuân về gặp nhau vui vẻ mời nhau chén rượu, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, cô chú, người lớn mừng tuổi cho trẻ con, trò đến thăm thầy…
Tuy nhiên, trong thực tiễn xã hội thì việc tặng quà Tết không hoàn toàn nghĩa tốt đẹp như thế. Đôi khi có chuyện lợi dụng quà Tết, tranh thủ nọ kia thì đó là tiêu cực.
Tư tưởng của Thủ tướng trong dịp tết 2017 đã chỉ đạo nghiêm cấm các bộ ngành, địa phương lên Hà Nội chúc Tết, lãnh đạo không được nhận quà Tết. Đây là quà lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội, động cơ không tốt chứ không phải quà mang nghĩa văn hoá, truyền thống.
Vừa qua Thủ tướng cũng chỉ đạo nghiêm cấm nhận xe biếu của doanh nghiệp, cấp biển xanh cho DN không đúng đối tượng. Phải cảm ơn báo chí đã công khai, minh bạch cung cấp cho các cơ quan đơn vị thông tin và từ đó, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ, cơ quan công an cũng làm rất tốt.
Ngay cả việc cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ hành chính, đi xe công, cấm uống rượu... cũng đã thành trào lưu tốt.
Tết năm nay, Thủ tướng cũng giao VPCP tiếp tục xây dựng chỉ thị của Thủ tướng để ban hành sớm, ngay cả vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cấm đốt pháo, sử dụng phương tiện công phục vụ tư, dự lễ hội, cấm tặng quà Tết cho cấp trên. Tôi vẫn nhấn mạnh đây là quà mang tính lợi dụng để có những cái tiêu cực.
Đồng thời, Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng cơ nhỡ, cô đơn, gia đình nghèo. Yêu cầu các bộ ngành địa phương theo chức năng của mình quan tâm đến đối tượng đặc biệt để Tết đến mọi nhà, mọi người; không gia đình nào, không ai không có Tết, không để đói kém ở bất kỳ chỗ nào.
Tết đến, tôi rất cảm ơn những cộng sự của mình
Như Bộ trưởng nói, văn hoá quà Tết là truyền thống của người Việt, mang ý nghĩa tốt đẹp. Với ý nghĩa này, những dịp Tết đến, Bộ trưởng hay nghĩ về ai để tặng quà?
Ở Nhật, văn hoá quà, đó có thể chỉ là cái quạt giấy đơn giản, họ không tính giá trị nhưng có ý nghĩa sâu xa, đánh dấu năm hết Tết đến, lời cảm ơn trong năm qua và chúc năm mới tiến bộ. Chúng ta cũng nên giữ nếp văn hoá tốt đẹp như thế.
Mỗi năm Tết đến, tôi rất cảm ơn những người cộng sự của mình. Đó không phải chỉ là cấp trên mà còn là anh em cấp dưới, cả những người lao công, bảo vệ, những người làm tốt cũng chính là giúp mình hoàn thành công việc. Ngay cả thầy cô, bạn làm cùng, báo chí cung cấp đầy đủ thông tin, nhanh, kịp thời, điều này rất quan trọng đối với tôi.
Lời cảm ơn cũng là món quà chứ không phải chỉ tiền mới là món quà. Văn hoá người Việt thì không gì bằng lời nói. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đây mới là quan trọng.
Nhưng làm gì cũng phải từ tấm lòng, từ sự tri ân, để chúng ta đánh giá sự cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của những người xung quanh. Một mình không thể làm được cái gì cả nhưng có sự đóng góp hỗ trợ của tất cả mọi người thì công việc to cũng nhẹ, nặng cũng thành nhẹ, có thể gánh vác công việc được tốt hơn.
Thủ tướng nói Văn phòng Chính phủ không cần biết DN nào
Thủ tướng đã có chỉ đạo bí thư, chủ tịch tỉnh không lên Hà Nội chúc tết Thủ tướng, các bộ ngành. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, biến tướng của quà Tết vẫn diễn ra tinh vi hơn, chuyển từ công khai sang bí mật hơn. Ông đánh giá điều này như thế nào?
Đúng là người ta vẫn cho rằng mặc dù cấm như thế nhưng việc thực hiện chỗ này chỗ khác chưa nghiêm. Cho nên, khi trả lời chất vấn trước QH tại kỳ họp thứ 4, Thủ tướng cũng nói DN không được đến hối hộ chính quyền.
Tác động này là tác động từ hai phía, anh nhận hối lộ và anh đưa hối lộ. Tết cũng thế thôi, phải có sự chấp hành nghiêm.
Trong quá trình làm việc ta luôn luôn minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi thì người ta không phải đến. Nếu mình tạo ra sự công tâm thì người ta không đến nữa.
Thủ tướng cũng nói VPCP không cần biết DN nào mà chỉ biết rằng, văn bản hồ sơ đến đây mà thẩm quyền giải quyết đúng thì phải xử lý ngay cho người dân. Thủ tướng vẫn nhắc tôi thế và chúng tôi cũng nhắc anh em VPCP đúng như thế.
Đương nhiên trong xã hội, không thể làm ngay một lúc được. Quan trọng nhất là chuyển động từ tư tưởng. Trong vấn đề chính sách, nếu chúng ta đáp ứng được việc như vậy thì người ta cũng không cần nhận hối lộ, không cần tham nhũng, và người ta không muốn tham nhũng.
Đúng là vẫn có những bất cập. Ai chả có gia đình, có vợ, con… Ở đây tôi muốn nói là nếu như không tạo đồng bộ sẽ dẫn đến tiêu cực ngoài mong muốn.
Vậy thì ngoài quy định của Đảng, quy định của luật Công chức, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cũng cần phải xem xét điều chỉnh những bất cập mà chúng ta đang gặp phải, ngay cả vấn đề chính sách nhà ở, chính sách tiền lương để tạo ra sự ổn đinh tốt thì sẽ có những chuyển biến tốt hơn.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp QH mới đây, Thủ tướng đã kêu gọi các DN không đưa hối lộ chính quyền. Nhưng có ý kiến cho rằng chính quyền có đủ thứ quyền cho và không cho, chấp thuận và không chấp thuận... nên muốn trị nạn hối lộ thì phải thay đổi từ phía chính quyền. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này?
Thủ tướng cũng nói VPCP không cần biết DN nào mà chỉ biết rằng, văn bản hồ sơ đến đây, thẩm quyền giải quyết đúng thì phải xử lý ngay cho người dân. Thủ tướng vẫn nhắc tôi thế và chúng tôi cũng nhắc anh em VPCP đúng như thế.
Câu trả lời của Thủ tướng trước QH vừa rồi có ý rất sâu sắc. Những DN mà ý tứ như thế đều có chuyện lợi dụng và tranh thủ hết. Nếu giải quyết tốt cho họ nhưng họ muốn vận dụng thế này thế kia mà không được nên họ muốn làm nhanh hơn, làm những gì đó ngoài quy định pháp luật hoặc muốn lợi dụng gì đó thì họ mới đến. Còn bình thường họ không đến làm gì.
Nhưng cơ bản nhất là chúng ta phải xây dựng một thể chế quy định, chế tài xử lý. Trong 19 điều cấm đảng viên không được làm đã có quy định rõ rồi nhưng trong thực tế cuộc sống còn nhiều việc có tác động nhiều phía, có cả phía nhận và phía đưa.
Tóm lại, muốn không có việc ấy thì chúng ta giải quyết thủ tục minh bạch, rõ ràng, chất lượng và trách nhiệm.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)