Sáng 6/1, tại Hội nghị y tế toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 21-22/1/2021, vaccine Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội, thử nghiệm lâm sàng vaccine này.
Trước đó, vaccine Covivac của IVAC thử nghiệm thành công trên động vật (chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ...) cho kết quả an toàn, tạo khả năng miễn dịch cao.
Theo kế hoạch, vaccine Covivac sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4/2020.
Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021.
IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Để đảm bảo việc thử nghiệm diễn ra thuận lợi, các tình nguyện viên tham gia được yêu cầu có sức khoẻ tốt, không mắc bệnh nền. Độ tuổi dao động từ 18-59 tuổi.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) chia sẻ, nhiều tháng qua, các nhà khoa học của IVAC tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thiết lập quy trình sản xuất vaccine COVID-19, áp dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi (công nghệ tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm).
TS Dương Hữu Thái cũng cho rằng, để phát triển thành công một vaccine cần phải trải qua quá trình nghiên cứu phát triển phức tạp, kéo dài và tốn kém, thông thường cần khoảng 10 năm. Chưa kể, nghiên cứu một vaccine luôn đi cùng những rủi ro vì thống kê cho thấy chỉ khoảng 10% vaccine vượt qua được tất cả các giai đoạn nghiên cứu và thương mại hoá thành công.
“Chúng tôi cũng xác định, để phát triển thành công vaccine COVID-19 sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro và tốn kém trong khi nguồn lực của đơn vị hạn hẹp… Tuy nhiên, tập thể cán bộ, nhân viên của IVAC đều xác định rằng “nếu ta không đi thì sẽ không bao giờ đến”. Không chỉ nam giới, hơn 40% nhà nghiên cứu là nữ giới của IVAC đều làm việc với hiệu suất gấp 2, gấp 3 bình thường, bất kể ngày đêm, ngày nghỉ lễ để tập trung làm nhiệm vụ nghiên cứu. Chúng tôi có niềm tin vào sự thành công và quyết tâm trên cơ sở năng lực hiện có” – TS Dương Hữu Thái cho hay.
Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vacine COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vacine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vacine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vacine phòng COVID-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17/12 và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện). Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vacine COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam.
Theo Minh Khánh (VOV)