Ngang nhiên xây resort không phép giữa vườn quốc gia

29/02/2016 09:47:01

Công trình có tên Le Mont Bavi Resort & Spa do Cty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) làm chủ đầu tư tọa lạc ở độ cao 600m (cốt 600) giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) là một khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... đã gần như hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Công trình có tên Le Mont Bavi Resort & Spa do Cty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) làm chủ đầu tư tọa lạc ở độ cao 600m (cốt 600) giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) là một khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... đã gần như hoàn tất và đưa vào sử dụng. Đáng ngạc nhiên là công trình lại chưa được phê duyệt dự án, chưa có giấy phép xây dựng.

 

Khu nghỉ dưỡng được quảng cáo 4 sao mang tên Le Mont Bavi Resort & Spa xây dựng không phép ngang nhiên hiện diện giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.

Lạ kỳ dự án nghỉ dưỡng 4 sao “ẩn mình” trên núi thiêng

Vườn Quốc gia Ba Vì được biết đến như một địa danh thiêng liêng của thủ đô và cả nước, nơi có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ đức Thánh Tản Viên..., được thành lập từ năm 1991 với tên gọi ban đầu là “khu rừng cấm quốc gia Ba Vì”. Hiện nay, tổng diện tích của vườn là 10.814 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của TP.Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm thủ đô 50km về phía tây, là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy như Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa...

Vườn bao gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên cốt 400, phân khu phục hồi sinh thái dưới cốt 400, phân khu dịch vụ hành chính. Vườn có chức năng trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên vốn vô cùng phong phú, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch.
 

Vị trí khu Le Mont Bavi Resort & Spa trên bản đồ Vườn Quốc gia Ba Vì.

Và giữa nơi được coi là “rừng cấm quốc gia” được “bảo vệ nghiêm ngặt” như vừa nêu, đã mọc lên một “siêu dự án” có tên gọi Le Mont Bavi Resort & Spa - hiện đại và bề thế, nằm thoai thoải bên sườn dốc của dãy núi Ba Vì kỳ vĩ.

Bởi sự lạ này, tháng 1.2016, nhóm PV đã ngược lên núi thiêng, đến cốt 600, con đường độc đạo từ cốt 500 lên được chia tách làm đôi, có chỉ dẫn bên trái lên “Đồi hoa dã quỳ” (cốt 700), còn bên phải chính là khu vực nghỉ dưỡng đang “ẩn mình” trên các bản đồ chính thức, có tên “Le Mont Bavi Resort & Spa”, ngay cạnh đó là di tích cách mạng, cứ điểm 600.

Đây thực sự là một công trình bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... đã gần như hoàn tất và đưa vào sử dụng. Trực tiếp điều khiển xe điện đưa chúng tôi đi thăm thú là một nam lễ tân trẻ tuổi và nhiệt tình. Đi ngang qua khu bể bơi vẫn còn một vài hạng mục nhỏ chưa hoàn thiện hẳn, có vài công nhân đang hí hoáy làm việc, anh giải thích: “Khu nghỉ dưỡng dự kiến trong năm nay sẽ chính thức khai trương. Nhưng về cơ bản đã mở cửa đón khách từ lâu nay rồi”.

Anh cũng thông tin về giá thuê phòng: “Giá phòng ngày thường được giảm nhiều và cũng có rất nhiều loại để lựa chọn, chỉ từ 1,8 đến 4 triệu đồng/ngày-đêm, đã kèm buffet sáng cho 2 người. Hệ thống nhà hàng ở đây được tính toán sao cho giảm thiểu nhất các tác động môi trường”.

Theo giới thiệu của người lễ tân, Le Mont Bavi Resort & Spa là một tổ hợp nghỉ dưỡng 4 sao gần như hoàn hảo cho bất cứ cá nhân và hộ gia đình nào muốn hòa mình với mây núi. Ngoài nghỉ ngơi, vui chơi và khám phá cảnh trí kỳ vĩ, khu dự án còn cung cấp các dịch vụ xông hơi, spa hay vật lý trị liệu với các bài thuốc thân thiện thiên nhiên.

Đã hoàn thiện và rầm rộ quảng cáo, kinh doanh

Gần đây nhất, vào sáng 16.2, trong vai nhân viên đi đặt phòng cho cơ quan nhân dịp đầu xuân, chúng tôi đã được ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường & Dịch vụ (đơn vị trực thuộc BQL vườn) hồ hởi tiếp đón. Ông giới thiệu về các dịch vụ tuyệt hảo tại dự án Le Mont Bavi Resort & Spa như một địa điểm không nên bỏ qua.

Vị Phó Giám đốc nói: “Khu vực cốt 600 của Vườn là khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp 4 sao, giá dao động khoảng 2 triệu đồng/phòng/ngày-đêm. Ở đó cũng có nhiều căn hộ rộng rãi dạng biệt thự tách biệt, rất thuận tiện cho nhóm du khách là hộ gia đình. Ban đêm có thể cắm lửa trại hoặc thuê dàn karaoke, rất vui…”.

Toàn bộ khu vực phòng nghỉ gồm trên dưới 50 phòng hạng sang, được chia theo các cấp độ từ Hotel loại phòng nhỏ, phòng to cho đến Bungalow (nhà gỗ 1 tầng tách biệt). Một nữ lễ tân vui vẻ cho biết, do là dịp đầu năm nên lượng khách đến nghỉ chưa đông, số lượng phòng trống còn nhiều nên đoàn chúng tôi tha hồ lựa chọn. Với đoàn đặt từ 5 phòng trở lên, sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn. Nói đoạn, nữ lễ tân đưa ra một tờ rơi quảng cáo, ghi rõ mức giá của khu dịch vụ...

Vậy đấy, người ta đã xây dựng một chốn ăn chơi, ngủ nghỉ không chỉ trong rừng đặc dụng mà còn là chốn linh thiêng của Hà Nội và cả nước. Trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước Nam ta đó”. Núi Ba Vì không những chiếm một vị trí quan trọng về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người Việt, đây là nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên, nơi có đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên...
 

Một góc khu Le Mont Bavi Resort & Spa được quảng cáo là 4 sao giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.


Vị trí trọng yếu về quân sự nhưng BCH quân sự địa phương không biết!

Thượng tá Hoàng Văn Quy - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết, hiện tại, không chỉ riêng tại điểm cao 600m, mà cả khu vực núi Ba Vì đều nằm ở vị trí quốc phòng đặc biệt quan trọng.

Do có khu di tích cách mạng (cứ điểm 600 - một vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng tuyến sông Đà của thực dân Pháp xưa) nên ở khu vực cốt 600 của Vườn quốc gia Ba Vì hiện đang có sự đan xen quản lý của Ban chỉ huy Quân sự huyện Ba Vì và Ban Quản lý vườn.

“Lúc nào thì cốt 600 nói riêng và khu vực núi Ba Vì nói chung cũng nằm trong thế trận quốc phòng đặc biệt quan trọng với Hà Nội và cả nước. Do đó, việc khai thác các dự án du lịch đều được xem xét kỹ lưỡng và thông qua bởi Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bộ Quốc phòng. Chỗ nào khách du lịch thì vẫn du lịch còn chỗ nào thuộc bí mật quân sự thì chúng vẫn được quản lý rất chặt chẽ” - thượng tá Quy nói.

Nói riêng về khu du lịch Le Mont Bavi Resort & Spa, người đứng đầu Ban chỉ huy Quân sự huyện Ba Vì cho biết dự án này “đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi động” nên ông chưa nhận được bất cứ văn bản nào. Do đó, khi nào có văn bản cụ thể thì đơn vị này sẽ dựa trên quy hoạch chi tiết để xem xét có ảnh hưởng gì đến quốc phòng không thì mới có thể đưa ra được quyết định cuối cùng.

Vị thượng tá đã không biết rằng, Le Mont Bavi Resort & Spa không còn “đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi động” nữa, mà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng!

Liên quan đến khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa xây dựng không phép, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đã đồng ý chia sẻ những nhận định cá nhân với PV báo Lao Động.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng những hình ảnh, tư liệu, tài liệu được PV cung cấp, bà Bùi Thị An thẳng thắn: “Việc ngang nhiên xây dựng và đưa khu dịch vụ 4 sao này vào hoạt động trước lúc được cơ quan chức năng cho phép là sai quá rồi!”

Ngay sau lời nhận định, vị đại biểu đoàn Hà Nội lập tức nhấc máy điện thoại gọi cho ông Nguyễn Phi Truyền - Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì. Qua điện thoại, ông giám đốc giải thích vòng vo. Ông nói: “Cái này rất dài dòng, không thể nói qua điện thoại, khi nào mời chị (bà An - PV) lên tận nơi để tìm hiểu”.

Trước câu hỏi của nữ đại biểu rằng có biết hay không khu du lịch này đã xây dựng xong và đang rầm rộ kinh doanh, thì ông Truyền trả lời “có biết”, đồng thời còn nói thêm “cấp trên cũng biết”(?!) nhưng phủ nhận việc kinh doanh công khai của khu dịch vụ.

Theo ông Truyền, việc khách khứa đến ở trong khu nghỉ dưỡng là “người thân của chủ đầu tư đến chơi”. Còn việc phát hành các tờ rơi quảng cáo là “chuẩn bị cho việc sắp tới đây, nếu được cấp phép thì sẽ chính thức hoạt động”. Ngoài ra vị giám đốc cũng từ chối nói về trách nhiệm của Ban Quản lý khi để xảy ra tình trạng “cầm đèn chạy trước ôtô” này.

Còn ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong cuộc trao đổi nhanh với nữ đại biểu qua điện thoại cũng nói “cần phải có thời gian để trao đổi một cách thấu đáo”. Ông Tuấn nói sẽ sớm bố trí thời gian mời bà An đến để trao đổi trực tiếp.

Với tư cách là ĐBQH phụ trách khu vực Hà Nội, vị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường này cũng tỏ ra lo ngại trước những sai phạm hiện hữu tại công trình đồ sộ này. Cá nhân bà đánh giá sự bất chấp pháp luật nơi đây còn nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra tại công trình không phép trên đèo Hải Vân, gây rúng động dư luận cách đây không lâu. “Sẽ phải có ai đó chịu trách nhiệm cho sai phạm này. Tôi quyết theo dõi vụ việc này đến cùng” - nữ đại biểu nói.
 
Theo Nhóm Phóng viên Thời sự (Lao Động)