Còn đối với PH, kết quả trả lời các lý do như sau: do con học lực yếu (17,4%), chuẩn bị cho con thi cuối cấp và ĐH (60,4%), muốn con vào trường chuyên, trường điểm (12,4%), học thêm cho bằng bạn (17,9%), học thêm để được điểm cao (8,1%), do chương trình ở trường bị cắt xén (3,8%) và ý kiến khác (9,3%). Lý do cao nhất là chuẩn bị cho con thi cuối cấp và ĐH, còn lý do thấp nhất là do chương trình bị cắt xén (3,8%). Như vậy, PH cho con đi học thêm là do mong muốn con học giỏi hơn và đạt kết quả thi cao hơn.
Còn đối với HS, kết quả trả lời các lý do như sau: do học lực yếu (23,8%), muốn nâng cao kiến thức (72,6%), thầy cô yêu cầu (1,8%), nhà trường yêu cầu (5,9%), học cho bằng các bạn (14,3%), do cha mẹ bắt buộc (3,2%), động cơ khác (6,3%). Như vậy, nhu cầu học thêm cao nhất của HS là muốn nâng cao kiến thức (72,6%), kế đến là do học lực yếu, còn yêu cầu của thầy cô thấp nhất (1,6%).
Qua kết quả trả lời của GV, PH và HS cho thấy, do chương trình THCS, THPT còn nặng nên HS có nhu cầu học thêm để tiếp thu đầy đủ kiến thức, PH lo lắng và mong muốn con, em vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ nên phải cho con học thêm.
Chủ yếu học thêm các môn thi
Theo kết quả nghiên cứu, các môn HS học thêm lần lượt như sau: môn toán (83,4%), ngoại ngữ (55,6%), vật lý (54,6%), hóa học (51,5%). Còn các môn khác như văn (28,8%), sinh học (13,2%), lịch sử (2,4%) và địa lý (2,4%). HS tiểu học chủ yếu học thêm 2 môn toán và văn - tiếng Việt.
Như vậy, HS chủ yếu học thêm các môn để thi; còn các môn như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, công nghệ... rất cần cho hình thành nhân cách HS lại không được chú trọng.
Về địa điểm học thêm, kết quả khảo sát HS như sau: tại trường (44,2%), tại trung tâm luyện thi (24,7%), tại nhà GV trực tiếp đứng lớp (22,4%), tại nhà GV không trực tiếp đứng lớp (25,4%), học với gia sư (8,1%), khác (1,7%).
Đáng chú ý là tỷ lệ HS có học thêm rất cao (82,5%), không học thêm chỉ 17,5%. Cảm nghĩ chung về học thêm của HS như sau: thích học thêm vì nâng cao kiến thức (86,2%), đem lại điểm cao (4,2%), thất vọng vì hiệu quả học thêm thấp (3%), bị bắt buộc học thêm (6,2%).
Học thêm cũng để lại nhiều hậu quả. Theo trả lời của PH, HS không còn thời gian tự học (75,7%), ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần (49,3%), gánh nặng về kinh tế (16,1%), làm lợi cho GV (7,2%) và ý kiến khác (2,6%).
Như vậy, theo các kết quả trả lời của HS và PH, việc học thêm là do nhu cầu nâng cao kiến thức và mong muốn vượt qua các kỳ thi. Điều này, xét về nhu cầu là rất chính đáng nhưng xét về chất lượng của một nền giáo dục và sự công bằng thì có vấn đề vì chất lượng của một nền giáo dục mạnh, bền vững phải dựa trên nền tảng tự học của HS và của thầy cô. GS - viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, một nhà toán học của VN, từng phát biểu: “Nền giáo dục trước đây có chất lượng là nhờ vào tự học của trò và thầy. Trong khi hiện nay có đến gần 83% HS có học thêm, khả năng tự học của HS VN thấp so với các nước, do đó ở bậc ĐH khi chuyển sang học chế tín chỉ thì nhiều SV lúng túng và hiệu quả học tập thấp”.
Giải pháp đồng bộ
Nhóm tác giả đã đi đến kết luận là không có một giải pháp riêng lẻ mà cần các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này. Đó là giảm tải chương trình, cải tiến phương pháp đánh giá kiểm tra, cải tiến cách thi cử, khuyến khích HS tự học và tăng thu nhập cho GV. Đây là những giải pháp được sự đồng thuận rất cao của GV cũng như ban giám hiệu. Đặc biệt, giải pháp tăng thu nhập cho GV đã được sự đồng tình của 84% GV tiểu học, 60,4% GV THCS, 21% GV THPT và 25% của ban giám hiệu.
Còn đối với PH, trả lời các giải pháp như sau: khuyến khích HS tự học (54,4%), giảm tải chương trình (40,9%), cải tiến thi cử (32,3%), học 2 buổi/ngày (22,6%), tăng lương cho GV (21%), kiểm tra việc dạy đủ chương trình (20%). Như vậy, hai mong muốn rất chính đáng của PH để giảm học thêm một cách căn cơ nhất là làm sao tăng khả năng tự học của HS, bên cạnh đó phải giảm tải chương trình và giảm áp lực thi cử.
Cần phân luồng hiệu quả Dư luận xã hội bức xúc về việc dạy thêm học thêm vì các biểu hiện tiêu cực. Vì vậy, ngoài các giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra, cần có giải pháp phân luồng hiệu quả. Nhu cầu nguồn nhân lực rất đa dạng, nhu cầu và khả năng của HS khác nhau, nhưng hiện nay HS học hết THCS là lên THPT và học hết THPT là lên ĐH. Gần như cả xã hội chạy theo mục tiêu này nhưng kết quả là hơn 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Thực tế, một bộ phận HS không có khả năng theo đuổi con đường học vấn, nhưng lại có khả năng nghề nghiệp, kỹ thuật. Những HS này cần học nghề sớm với những giải pháp mà một số nước đang làm như Đức (phân hóa HS sau tiểu học), Singapore thực hiện phân hóa HS ở cấp THCS... VN nên phân hóa sớm đối với cấp THCS, 2 năm lớp 8 và lớp 9 là dự hướng để đến cấp THPT mới định hướng nghề nghiệp chính xác. Bộ GD-ĐT nên quản lý đối với giáo dục nghề nghiệp để thực hiện phân luồng tốt hơn. Về tốt nghiệp THPT, nên giao cho địa phương tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp, còn tuyển sinh ĐH nên giao cho các trường ĐH theo hướng đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Theo Ths Hồ Sỹ Anh (Thanh Niên Online)
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)