Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Bão Tembin qua Philippines đã làm chết và mất tích 133 người, đây là con số rất lớn. Chính vì thế chúng ta cần có những hành động quyết liệt, đến mức độ cưỡng chế khu vực dân cư và tàu thuyền. Việc di dân ở các cù lao, cửa biển, dân ở ngoài đê biển phải cho sơ tán trước 6h tối nay (24/12). Còn khu vực bên trong sơ tán trước 12h trưa mai (25/12). Để yên tâm người dân yên tâm sơ tán cần có lực lượng công an, dân quân tự vệ để đảm bảo an ninh trật tự.
Việc cấm biển đã thực hiện xong nhưng còn một số tàu thuyền vẫn chưa liên lạc được, như Cà Mau còn 3 tàu. Ông Hoài cũng đề nghị cần cho học sinh nghỉ học thứ Hai (25/12) và thứ Ba (26/12).
Theo báo cáo, hiện còn 64.000ha lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn chín chưa thu hoạch, có thể bị thiệt hại khi bão đổ bộ. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản (đây là vùng trọng điểm tôm và cá tra) nên có nguy cơ thiệt hại lớn.
Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người.
Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12 đến 26/12; Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo sở GD& ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, xu thế, diễn biến bão tương đối mới. Bão có xu hướng lệch phía nam, tác động sang miền Tây Việt Nam.
Xu thế lệch nam này tác động đến các vùng dễ bị tổn thương. Các đảo như Phú Quốc, Nam Du là những đảo đông dân cư. Ở miền Tây, nguy cơ sạt lở cao, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt nhiều.
Hơn nữa, hoạt động tàu bè sinh hoạt ở trên sông, đi lại, du lịch ở khu vực này rất lớn, nhà cửa ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long rất yếu. Chính vì thế, Thứ trưởng lưu ý cần kiểm soát kỹ vấn đề này, bão sẽ vào sâu, cần đánh giá kỹ hơn và có phương án di dân lên bờ.
“Đợt này không chỉ có tàu thuyền trên biển mà phải chú ý đến các cửa sông, đi sâu vào bên trong vì tàu thuyền của người dân sinh sống, buôn bán rất nhiều”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo, cần tìm mọi cách để liên lạc với tàu thuyền trên biển. Mưa do hoàn lưu bão, từ nay đến 28/12, các vùng phía bắc của bão vào cần chú ý hồ chứa để đảm bảo an toàn.
“Chúng ta cần có nỗ lực lớn, không để thiệt hại tính mạng người dân, truyền tải thông tin đến địa phương, người dân. Không chỉ chỉ đạo mà cần kiểm soát tình hình đến từng xã, chuyển biến đến từng người dân. Đợt này dứt khoát phải buộc người dân lên bờ, nếu không buộc phải cưỡng chế. Tôi rất lo ngại vùng cửa sông, tàu thuyền hoạt động sinh hoạt rất nhiều. Cần cưỡng chế tất cả các hoạt động tàu thuyền trên biển và các sông”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Đình Thắng (Dân Việt)