Sức ép về kinh tế
Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, tình trạng người lao động (NLĐ) sau 35 tuổi nhận BHXH một lần đang gia tăng. Hiện các doanh nghiệp dệt may, da giày do điều kiện lao động khắc nghiệt nên chính những công nhân sau 35 tuổi không còn điều kiện sức khoẻ để đáp ứng yêu cầu công việc đã tự động rút khỏi thị trường lao động. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp sẽ chủ động đào thải lớp lao động ở độ tuổi này, nhằm giảm chi phí về lương, về BHXH và đưa ra hình thức hỗ trợ, khuyến khích nhóm lao động này ra khỏi thị trường lao động.
“Trên thực tế, nhóm lao động ở diện này khi ra khỏi thị trường lao động, họ không có cơ hội quay lại thị trường lao động. Do sức ép kinh tế nên đa phần họ lựa chọn nhận BHXH một lần”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
“Tôi lấy làm tiếc nhất là việc đã ủng hộ việc ra Nghị quyết tạm dừng thực hiện Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về BHXH một lần”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết.
Theo đó, từ ngày 1/1/2016, thay vì áp dụng các điều kiện khắt khe hơn để nhận BHXH một lần theo quy định của Điều 60 trong Luật BHXH năm 2014, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết (năm 2015) đồng ý việc tiếp tục việc thực hiện Điều 55 Luật BHXH năm 2006 về nhận BHXH một lần cho tới năm 2020, sau đó mới có thể áp dụng Điều 60 của Luật BHXH năm 2014.
“Một chính sách BHXH tốt như vậy nhưng phải tạm dừng, dù chỉ bởi sự phản ứng có tính chất tức thời ở một doanh nghiệp. Trong khi đó, cả nước hiện có gần một triệu người tham gia BHXH mỗi năm và hơn 660.000 người ra khỏi hệ thống BHXH khi rút BHXH một lần. Với tỉ lệ rút BHXH một lần gia tăng như vậy sẽ khó bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân”, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
“Một số lao động không hiểu nên rút BHXH một lần để tiêu dùng trước mắt nhưng khi về già, họ sẽ sống bằng cách nào khi không có lương hưu?. Trong khi đó, nếu duy trì khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội chính là “của để dành” khi tuổi già và luôn được Nhà nước bảo hộ. Nguyên nhân chưa hiểu rõ chính sách khiến người lao động đăng ký nhận BHXH một lần và chịu thiệt thòi”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Sẽ điều chỉnh quy định hưởng khi rút BHXH một lần
Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Đình Quảng khuyến nghị, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH; đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông để NLĐ biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia BHXH để nhận lương hưu khi về già. Các Bộ ngành liên quan cần phải nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “BHXH chính là của để dành của NLĐ, được Nhà nước bảo hộ. Do đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định nâng mức hưởng việc bảo lưu BHXH và sẽ phải sửa Luật BHXH cho phù hợp. Chúng ta cần điều chỉnh Luật BHXH theo hướng NLĐ đóng BHXH ở mức 8% và doanh nghiệp cùng tham gia đóng BHXH cho NLĐ với mức 14%. Do đó, sẽ điều chỉnh quy định việc NLĐ muốn hưởng BHXH một lần sẽ chỉ được lấy 8% đã đóng, còn 14% của doanh nghiệp đóng cho NLĐ sẽ được giữ lại để tăng trưởng quỹ BHXH”.
Chia sẻ lo ngại về việc xu hướng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ khi hết tuổi lao động, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, hiện tại NLĐ đang làm việc và tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Theo đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân. “Mục tiêu của chính sách BHXH là BHXH toàn dân; quỹ BHXH được xây dựng từ sự đóng góp của NLĐ cùng người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho NLĐ
Theo Xuân Cường (Báo Tin Tức)