Chia sẻ về đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt gây tranh cãi của PGS.TS Bùi Hiền, TS Ngữ văn Đoàn Hương cho rằng, công trình ngoài ý nghĩa quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt còn có những ý tưởng mới, tuy nhiên, để đưa vào thực tế không đơn giản vì ngôn ngữ là quy ước được xã hội thừa nhận.
"Do đó, cần phải có ý kiến của Hội đồng khoa học, Hội thảo khoa học và chúng ta không thể dùng quy chế để ép người dân theo mà ngôn ngữ là quy ước nên phải tự nguyện.
Tôi cũng muốn nói vui là nếu công trình này là quy ước thì chắc tôi cũng phải cùng với cháu lớp 1 đi học lại vì tôi đọc cũng không hiểu", TS Đoàn Hương nói.
Tuy nhiên, TS Đoàn Hương cũng nhấn mạnh, đây là công trình rất khó, không ai có thể đọc được ngoài nhà chuyên môn nên trước hết chúng ta cần phải trân trọng chứ không nên tập trung lại "ném đá hội đồng".
"Với những ý tưởng mới như của thầy Bùi Hiền chúng ta nên học cách tiếp nhận còn đánh giá phải có Hội đồng khoa học chuyên môn.
Những sự phản ứng vừa rồi của dư luận là thể hiện sự chưa văn hóa, chưa hiểu hết ý tưởng mới của công trình nghiên cứu. Nếu bất cứ ý tưởng mới nào ra đời cũng bị ném đá như vậy thì xã hội không thể phát triển được.
Xã hội được phát triển bởi các ý tưởng táo bạo và ý tưởng mới nên nếu chúng ta chỉ thích đi theo các ý tưởng cũ thôi thì sẽ không thể phát triển được", TS Đoàn Hương nói thêm.
TS Đoàn Hương cũng nhìn nhận, nhiều người gọi ý tưởng của PGS Hiền là điên rồ nhưng trước đây, nhiều nhà bác học, khoa học khi đưa ra ý tưởng mới cũng bị coi là không bình thường hay như nhà bác học Galiei bị đưa lên giàn hỏa thiêu, đòi đốt khi đưa ra việc trái đất quay quanh mặt trời.
"Trước một cái mới ra đời phải suy ngẫm, nhìn nhận nó bằng con mắt khoa học. Công trình của PGS Hiền là công trình khoa học nên phải có những nhà khoa học định đoạt chứ không phải một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá", TS Đoàn Hương chỉ rõ.
Dưới góc độ nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, dưới góc độ khoa học, ông thấy đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là bình thường và xét về mục đích, nó có thể mang lại những yếu tố tích cực nhất định trong việc hoàn thiện các quy tắc ngữ âm tiếng Việt.
"Tuy nhiên, ngôn ngữ hay chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện.
Do đó, nếu được áp dụng thì việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội", ông Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc cũng bày tỏ, dù không đồng tình nhưng cách mà nhiều người dù chưa tìm hiểu kỹ nhưng đã có "ném đá hội đồng" không thương tiếc, xúc phạm cá nhân nhà khoa học như PGS Bùi Hiền là không nên.
"Những sáng kiến, đề xuất mới trong khoa học như của PGS Bùi Hiền là điều bình thường, cần thiết nhưng không có nghĩa là dư luận thổi phồng lên rồi đả kích, ném đá như vậy", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia truyền thông Chung Anh nhìn nhận, dù không đồng tình với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền nhưng không có nghĩa cả một đám đông đi ùa vào "ném đá không thương tiếc với một ông già đã ngoài 80 tuổi".
"Ở nước ngoài, ý tưởng dù có thể coi là điên rồ, không khả thi nhưng cũng không ai đi ném đá, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người đưa ra ý tưởng, đề xuất cả.
Còn ở đây, cả một đám đông, trong đó, có thể có nhiều người còn chưa đọc kỹ lại sẵn sàng "ném đá hội đồng", đưa ra những lời nói xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà nghiên cứu Bùi Hiền bằng đến cả tuổi ông, cụ mình.
Điều đó là phản khoa học, không đẹp và cũng thể hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của chúng ta", ông Chung Anh nêu.
Bạn muốn biết tên của bạn được viết như thế nào trong Tiếng Việt kiểu mới, hãy dùng thử TOOL chuyển đổi Tiếng Việt mới trên docbao.vn.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)