Trao đổi với PV, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật.
"Từ năm 2007, trong khi bàn về luật Bình đẳng giới, luật Lao động sửa đổi năm 2012, luật Bảo hiểm xã hội 2014, tất cả các lần đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động đều được đưa ra bàn thảo nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội Quốc nhất trí. Điều đó cho thấy đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng", ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao, chính sách lao động đang chuyển dần từ thâm dụng lao động sang phát triển theo chiều sâu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tính đến bài toán giải quyết việc làm cho thanh niên thất nghiệp.
Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến lo ngại sẽ tạo làn sóng xin về hưu sớm trong các năm tới để “chạy” chính sách. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định: “Bất kỳ chính sách xã hội nào đều có lát cắt về thời gian, việc lao động nghỉ hưu sớm để “chạy” chính sách có thể lường trước được. Nhưng tất cả đều phải tôn trọng quyền của người lao động, luật cho phép họ lựa chọn tiếp tục làm hoặc về nghỉ hưu khi đủ điều kiện. Trong tinh thần của cải cách bảo hiểm xã hội sắp tới, sẽ tăng quyền lợi của những người về hưu đúng tuổi".
Hiện nay đang tồn tại thực trạng lao động trên 35 tuổi bị sa thải, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức phải xác định lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, không thể thay thế được. Cần trân trọng tài sản quý này, giữ người lao động làm việc với mình. Bên cạnh đó, người lao động phải xác định quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo bài toán cân đối, hài hòa lợi ích cho người lao động.
Theo Hương Lan (Nguoiduatin.vn)