Trước đó, ngày 8/1, Hải Phòng nâng cấp độ dịch toàn thành phố lên mức 4 (nguy cơ rất cao, vùng đỏ), sau khi 131/218 xã, phường, thị trấn chuyển sang cấp 4.
Lý giải trên Thanh Niên về việc Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên vùng đỏ thay vì là vùng cam, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiêm giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho rằng việc nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất là để TP. Hải Phòng nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân cũng như có các biện pháp phù hợp để giảm số ca mắc ngoài cộng đồng.
Do toàn TP. Hải Phòng được xác định là vùng có cấp độ 4 (vùng đỏ) nên những hoạt động vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch sẽ tạm dừng.
Cụ thể, thông tin trên VnExpress, Hải Phòng tạm dừng vận tải khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh; tạm dừng vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh. Tiếp tục tạm dừng vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn các xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 4.
Nếu phương tiện có hành trình bắt buộc qua các địa phương nêu trên thì không được dừng, đỗ đón trả khách.
Với những địa bàn có cấp độ 3 (vùng cam) thì hoạt động vận tải nói trên chỉ được hoạt động không quá 50% số phương tiện của đơn vị vận tải và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng với xe giường nằm).
Cùng với đó, Hải Phòng cũng tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải khách tại bến xe khách Thượng Lý, bến xe khách Niệm Nghĩa, bến xe khách phía Bắc Hải Phòng và bến xe khách Đồ Sơn cho đến khi có thông báo mới.
Thông tin trên báo Vietnamnet, ngay sau khi Hải Phòng công bố thành vùng có cấp độ dịch nguy cơ rất cao, hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước đã có văn bản tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách đi, đến thành phố này và ngược lại.
Theo đó, kể từ ngày 9/1 cho đến khi có thông báo mới, Thanh Hóa tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đi, đến TP Hải Phòng và ngược lại. Những loại hình phương tiện tạm dừng gồm: Xe tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng, du lịch (trừ trường hợp đặc biệt vì công vụ; chở bệnh nhân, người hết thời hạn cách ly y tế; xe đưa đón công nhân, chuyên gia và vận chuyển phục vụ phòng, chống dịch).
Tương tự, ngày hôm qua (9/1), Sở GTVT tỉnh Thái Bình tạm dừng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh từ Thái Bình đến các bến xe Thượng Lý, bến xe phía bắc Hải Phòng, bến xe Vĩnh Niệm và bến xe Đồ Sơn (TP Hải Phòng) và ngược lại.
Tạm dừng vận chuyển hành khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch từ tỉnh Thái Bình đến các xã, phường, thị trấn thuộc TP Hải Phòng có mức độ dịch cấp 4 và ngược lại, trừ xe công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết hạn cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp và các trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Việc vận chuyển khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch từ tỉnh Thái Bình đến các xã, phường, thị trấn thuộc TP Hải Phòng có mức độ dịch cấp 3 được phép hoạt động, nhưng không quá 50% số phương tiện của đơn vị và phải thực hiện giãn cách trên phương tiện, không áp dụng đối với xe giường nằm.
Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Thái Bình cũng lưu ý, các phương tiện vận tải khách có hành trình đi qua địa bàn có cấp độ dịch cấp 4 ở TP Hải Phòng không được dừng, đỗ để đón, trả khách.
Lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương cũng thông tin, theo quy định của Nghị quyết 128, tỉnh cũng cấm tất cả các phương tiện đi, đến các vùng đỏ. Vì vậy, đương nhiên các phương tiện, dịch vụ vận tải khách cố định phải tạm dừng hoạt động đi, đến Hải Phòng.
HL (Nguoiduatin.vn)