Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường

08/09/2018 09:10:21

Hơn 50 em nhỏ ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên mùa lũ phải chui túi nilon vượt suối tới trường khiến các thầy cô giáo không khỏi chạnh lòng.

Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường
Thầy Nguyễn Minh Quý có 30 năm cắm bản, vượt khó khăn gieo chữ con con trẻ.

Quê gốc ở Hà Nội nhưng thầy giáo Nguyễn Minh Quý đã rời thành phố lên học tập và theo nghiệp gõ đầu trẻ tại một vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Hiện thầy Quý đang là giáo viên trường Tiểu học số 1 Na Sang .

30 năm gắn bó với bản làng này, với những con đường đất đá lầy lội, quen với việc vượt sông vượt suối, vượt qua con đường cách 20km nhưng thầy phải mất tới nửa ngày để đến trường dạy con chữ.

Nhắc đến việc học sinh của mình phải chui túi nilon vượt suối dữ tới trường, thầy Quý không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường - 1
Thầy Nguyễn Minh Quý tâm sự về những khó khăn khi cắm bản gieo chữ.

Thầy giáo 30 cắm bản tâm sự, phải trực tiếp lên đây mới hiểu được sự vất vả của giáo viên cũng như của dân bản và các đồng chí biên phòng.

Mùa mưa lũ ở đây khiến mọi sinh hoạt trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trường cách xa trung tâm đến 20 cây số, đi lại cũng phải mất tới 4-5 tiếng đồng hồ, bởi vậy dù có muốn buôn bán, làm việc gì đi lại cũng rất khó khăn.

Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường - 2
Đường sá lầy lội, đi lại khó khăn nên việc hỏng xe dường như trở thành chuyện cơm bữa.

Thầy cô giáo 1 tuần chỉ đi lại 2 lần nhưng dân bản và các cháu học sinh đi lại vất vả nên ảnh hưởng đến việc dạy dỗ của các thầy cô giáo.

Điểm trường ở bản có những em ở cách xa gần 4 cây số, còn nếu học ở trường trung tâm thì xa đến gần 20 cây số.

Mùa khô thì đi lại mất khoảng 1 tiếng, còn mùa mưa phải đi 4-5 tiếng mới tới nơi bởi đoạn đường tới trường phải đi qua các con suối, qua bùn lầy, cầu cống, đường đi rất dốc và trơn.

Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường - 3
Hình ảnh các em học sinh chui nilon tới trường khiến các thầy cô không khỏi chạnh lòng.

“Tuần trước nữa, mưa lớn làm trôi mất bè tự làm nên chúng tôi phải nhờ dân bản khiêng xe qua suối. Các cháu bé quá phải nhờ những người biết bơi lội đưa qua sông suối tới trường.

Không những thầy cô giáo mà cả dân bản cũng vô cùng lo lắng vì các cháu bên kia suối không có gì để ăn, không có chỗ nào để trú chân nên dân bản mới phải nhờ những người biết bơi lội để giúp đưa các cháu về, nếu không để các cháu bên kia thì chết đói mất.

Người dân ở đấy quen với việc phải chui vào túi bóng rồi” – thầy Quý tâm sự.

Nặng lòng tâm sự của thầy giáo 30 năm cắm bản, nơi học sinh chui nilon vượt suối đến trường - 4
Mùa mưa lũ, những con suối trở nên hung dữ.

Cũng theo thầy Quý, vì đường sá đi lại khó khăn, điện thì không có nên cuộc sống cũng rất thiếu thốn. “Mùa này còn đỡ chứ đến mùa khô là thiếu nước sinh hoạt, có khi phải uống bằng nước vo gạo, nhiều đoàn từ thiện còn không dám uống nước nữa.

Thức ăn tươi chỉ đủ cho 2-3 ngày, sau đó phải ăn đồ khô, đồ ăn thiếu thốn là vậy nhưng nhiều khi thương các em đói, thầy cô lấy cơm cho các em ăn, đôi khi là nấu gói mì tôm cho các em” – thầy Quý chạnh lòng.

Dù vất vả, khó khăn, nhưng các thầy cô giáo luôn được bà con trong bản thương yêu, quý mến. Đó là động lực để các thầy cô quên đi mọi khó khăn cố gắng bám bản gieo chữ cho con trẻ.

Theo Nguyễn Hà (Lao Động)

Nổi bật